Những nghiên cứu khoa học trước đây đã cho chúng ta thấy cách thực vật phản ứng với ánh sáng (thị giác), khi được kích thích cơ học (xúc giác) và khi tiếp xúc với hóa chất bay trong không khí (khứu giác).
Còn trong một nghiên cứu mới đăng trên báo Haaretz, các nhà khoa học thuộc Đại học Tel Aviv Israel) lại cho thấy phát hiện mới về thính giác của các loài hoa, cũng như sự tương hỗ giữa những bông hoa và các loài côn trùng hút mật.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Israel được thực hiện đối với các bông hoa anh thảo nở ban đêm, cho thấy khi được ong và bướm đêm vây quanh, những bông hoa này sản xuất phấn hoa nhanh hơn, đồng thời hàm lượng đường trong phấn hoa được gia tăng đáng kể chỉ trong vòng 3 phút.
Theo các nhà khoa học, phản ứng nói trên của thực vật chỉ diễn ra khi tiếp cận âm thanh vo ve của côn trùng, khiến cánh hoa có độ rung phù hợp. Hiện tượng tăng lượng đường trong mật hoa sẽ không xảy ra khi thực vật tiếp xúc với âm thanh có tần số cao hơn những loài thụ phấn.
Giới nghiên cứu cũng cho rằng thực vật cũng có phản ứng với các âm thanh khác, trong đó có cả âm thanh do con người tạo nên và điều này nhiều khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc tương tác giữa các bông hoa và côn trùng hút mật.
Đây được xem là một phát hiện quan trọng, góp phần hữu ích cho ngành công nghiệp sản xuất mật hoa, đồng thời có thể mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực nghiên cứu sự tiến hóa của thực vật và côn trùng.