Tên lửa Falcon 9 đưa lô vệ tinh Starlink thứ 7 vào vũ trụ được phóng đi từ bãi phóng LC-39A tại Trung tâm Vũ trụ Kenedy của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Sau khi các tầng của tên lửa tách rời, tầng 1 đã hạ cánh xuống tàu không người lái của SpaceX ở Đại Tây Dương để có thể tái sử dụng trong sứ mệnh khác. SpaceX sau đó xác nhận đã triển khai thành công 60 vệ tinh Starlink vào vũ trụ.
Theo SapceX, tên lửa Falcon 9 đã hỗ trợ tàu vũ trụ Crew Dragon trong chuyến bay đầu tiên lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và tham gia 4 lần phóng các vệ tinh Starlink.
Tập đoàn Mỹ cho biết mạng lưới các vệ tinh Starlink sẽ giúp "phủ sóng" đường truyền Internet băng tần rộng tốc độ cao tới các địa điểm có kết nối chưa ổn định, đắt đỏ hoặc không có kết nối Internet.
Dịch vụ Internet của SpaceX sẽ được triển khai tới khu vực miền Bắc nước Mỹ và Canada trong năm nay và dự kiến sẽ bao phủ toàn cầu vào năm 2021. SapceX dự định triển khai khoảng 12.000 vệ tinh Starlink lên không gian vào năm 2024 và từng công bố ý định triển khai thêm 30.000 vệ tinh, nâng tổng cộng số vệ tinh của tập đoàn này trên không gian lên con số 42.000.
Theo SapceX, mỗi vệ tinh nặng khoảng 260 kg, có thiết kế nén và mỏng giúp giảm thể tích không gian và tăng số lượng vệ tinh được phóng một lần sử dụng tên lửa Falcon 9. Các vệ tinh này được trang bị động cơ đẩy ion chạy bằng krypton cho phép các vệ tinh nâng quỹ đạo quay, vận động trong không gian và tự rời khỏi quỹ đạo khi hết thời hạn hoạt động.
Các vệ tinh có thể tự động điều chỉnh vận động để tránh va chạm với các vật thể và tàu vũ trụ trong không gian. Khi hết thời hạn hoạt động, các vệ tinh tận dụng hệ thống đẩy bên trong để rời khỏi quỹ đạo trong khoảng vài tháng. Nếu quá trình này không thành công vì hệ thống đẩy không hoạt động, chúng sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển trong vòng từ 1 đến 5 năm.
Từ đầu năm 2020 tới nay, SapceX đã thực hiện 3 vụ phóng vệ tinh Starlink.