Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, hiện số tàu đã được cấp phép chiếm 95,7% tổng số tàu đã đăng ký; số tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt hơn 99,4%, số còn lại nằm bờ nên chưa lắp VMS.
Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay, số tàu cá có chiều dài trên 15 m của tỉnh đã được lắp VMS để quản lý hoạt động khai thác hải sản trên ngư trường và số tàu đó đã được đăng ký, cập nhật đầy đủ vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); hầu hết tàu cá ra, vào các cửa sông, cửa biển và cảng cá chỉ định được Trạm kiểm soát Biên phòng kiểm tra, kiểm soát đủ điều kiện hoạt động; các tàu cá đã được đánh dấu nhận dạng đúng quy định.
Hiện tại, Chi cục Kiểm ngư tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để đưa vào đăng ký, quản lý hơn 2.000 tàu chưa đăng ký, phối hợp cơ quan công an đưa vào quản lý tàu cá cùng với mã định danh của chủ tàu dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2024. Đồng thời, thực hiện đăng kiểm, đánh dấu, đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho hơn 2.700 tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh.
Vấn đề tồn tại số lượng lớn tàu cá “3 không” này gây khó khăn, bất cập trong quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các khuyến nghị của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, nguyên nhân còn nhiều tàu cá “3 không” chủ yếu do người dân địa phương đi làm ăn xa, khai thác thủy sản ngoài tỉnh trong thời gian dài, khai báo không kịp thời. Hơn nữa, việc mua bán, chuyển nhượng, tặng, cho… nhưng không sang tên, đổi chủ trong cộng đồng ngư dân…; một số cơ sở đóng tàu, cải hoán tàu không có giấy phép kinh doanh, hoạt động lén lút, đóng mới, mua tàu ngoài tỉnh về cải hoán để đi đánh bắt hoặc bán lại cho người khác.
Ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang chia sẻ, khai thác thủy sản của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần những giải pháp đồng bộ hữu hiệu để tháo gỡ, nhằm phát triển hiệu quả, bền vững nghề cá. Cụ thể là tàu thuyền phát triển một cách tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến mất cân bằng về nghề trên các ngư trường; nguồn lợi thủy sản đang suy giảm rất nghiêm trọng; hoạt động khai thác trái phép sử dụng các nghề cấm, nghề khai thác hủy diệt như lưới kéo, nghề lồng xếp, nghề đăng, đáy, te, xiệp, sử dụng xung điện, thuốc nổ khai thác hải sản còn diễn ra nhiều… Cùng đó, lao động làm nghề khai thác thủy sản thiếu, hiệu quả đánh bắt của mỗi chuyến biển thấp, ngày càng giảm dẫn đến thu nhập của ngư dân giảm, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống ngư dân. và an sinh xã hội.
Nhiều chủ tàu cá, thuyền trưởng (yêu cầu không nêu tên, địa chỉ) tại thành phố Rạch Giá cho hay, tình trạng đánh bắt tận thu, hủy diệt làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản trên biển là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số ngư dân đưa tàu cá khai khác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Chia sẻ từ phía ngư dân, chi phí cho một cặp tàu trong một chuyến biển từ 1 tỷ đồng trở lên, trong khi đó, khai thác đánh bắt không có sản lượng dẫn đến thua lỗ, nợ chồng lên nợ, đó còn chưa kể áp lực trả lãi, nợ vay hàng tháng, trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày… dẫn đến nhiều ngư dân “làm liều”, vi phạm khai thác đánh bắt trái phép trên ngư trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý các hành vi liên quan đến khai thác IUU trên biển, vi phạm khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường với hàng trăm vụ, xử phạt hơn 19,6 tỷ đồng.
Để nghề cá phát triển hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đề xuất, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách về tái tạo, khôi phục, phát triển nguồn lợi thủy sản trên biển, nhất là thực hiện chuyển đổi nghề nhanh cho bà con ngư dân đang khai thác đánh bắt thủy sản ven bờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Ngành chức năng phối hợp với các địa phương có biển đảo trong tỉnh quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, tăng cường tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác thủy sản vô tội vạ theo kiểu “chim trời, cá nước, ai bắt được nấy ăn”, tận diệt nguồn lợi thuỷ sản, hủy hoại môi trường. Tỉnh tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt các khu bảo tồn biển đảm bảo tính bền vững, vùng cấm khai thác đánh bắt các bãi giống, sinh sản của các loài thủy sản kết hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tỉnh đề nghị Bộ đội Biên phòng Kiên Giang phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức các cuộc cao điểm để thực thi nghiêm pháp luật đối với tàu cá vi phạm; chỉ đạo các đồn và trạm Biên phòng tăng cường tần suất quản lý hoạt động tàu cá trên biển và tại cảng, kiên quyết không cho tàu cá không đủ điều kiện theo quy định ra biển khai thác thủy sản, đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang xử lý tàu cá “3 không”.
Hơn nữa, tỉnh phát triển thuỷ sản dựa vào 3 trụ cột là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, trong đó, tăng nuôi trồng thuỷ sản đồng thời tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên biển. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, tỉnh thực hiện sắp xếp lại đội tàu theo hướng giảm số lượng, tập trung giảm tàu công suất nhỏ khai thác ở vùng biển ven bờ, vùng lộng; chuyển một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái như lưới kéo sang nghề đánh bắt thân thiện với môi trường như nghề câu, vây; không cho đóng mới tàu cá và không cho phát triển thêm tàu cá làm nghề lưới kéo.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường năng lực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, huy động nguồn lực vào tham gia bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Hàng năm, tỉnh tổ chức thả con giống thuỷ sản xuống thuỷ vực để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, thành lập các khu bảo tồn biển Thổ Chu, Nam Du… theo quy hoạch, tăng cường, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.