Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng nuôi trồng thủy sản biển, những tồn tại, khó khăn trong quản lý khu vực biển, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ; đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi biển tỉnh Kiên Giang theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, Kiên Giang là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích ngư trường hơn 63.200 km², hơn 140 đảo biển, chiều dài bờ biển trên 200 km. Vùng biển Kiên Giang với nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, rất thuận lợi cho việc bảo tồn, phát triển nguồn lợi thuỷ sản và nuôi biển.
"Kiên Giang có khả năng phát triển ngành kinh tế thủy sản cả trong đất liền, trên biển và hải đảo. Tỉnh đã xác định kinh tế biển là hướng phát triển chủ lực, đặc biệt chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển", Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh.
Năm 2020, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn đến năm 2030. Năm 2023, tỉnh nuôi cá lồng trên biển đạt 3.870 lồng, sản lượng thu hoạch 3.910 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2020 - 2023 là 1,65%/năm.
Tuy nhiên, nghề nuôi biển của tỉnh Kiên Giang còn nhiều những tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập. Cụ thể là việc triển khai thực hiện dự án đầu tư nuôi biển, các tổ chức, cá nhân phải thực hiện khá nhiều thủ tục để được cấp phép nuôi biển, mất nhiều thời gian dẫn đến dự án triển khai chậm.
Cùng với đó, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ chưa được phê duyệt và thủ tục giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành nên công tác triển khai giao khu vực biển còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện việc giao khu vực biển cụ thể cho tổ chức, cá nhân nuôi lồng bè trên biển theo quy định.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển còn chậm; các văn bản về chính sách hỗ trợ nuôi biển chưa đồng bộ, văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch, giao khu vực biển nuôi lồng bè, xác nhận nuôi thuỷ sản lồng bè… chưa được thực hiện. Hạ tầng phục vụ nuôi biển của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; các dự án nuôi biển triển khai còn khá chậm. Cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư đối với dự án nuôi biển cũng chưa cụ thể, chưa tạo được sức hút với các nhà đầu tư...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham vấn của lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị, đề xuất các giải pháp quản lý nhà nước hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý khu vực biển giữa các ngành và địa phương có nuôi biển trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu phát triển nuôi thủy sản trên biển hiệu quả, ổn định và bền vững.
Để Kiên Giang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến yêu cầu tỉnh Kiên Giang quy hoạch vùng nuôi biển hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao mặt nước biển cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi biển; đồng thời, tạo môi trường thông thoáng, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhất là kêu gọi doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản có tiềm lực mạnh, nhiều kinh nghiệm đầu tư nuôi biển trên địa bàn tỉnh.
"Tỉnh cần chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, lồng nuôi hiện đại, công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm; đồng thời, đầu tư sản xuất giống tại địa phương kết hợp nhập khẩu con giống phục vụ nhu cầu nuôi biển; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nuôi biển của tỉnh", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Cùng với đó, đối với nghề nuôi biển truyền thống, tỉnh cần tiếp tục duy trì nghề nuôi ở mức độ hợp lý, đảm bảo sức tải môi trường, có thể nuôi đa loài kết hợp du lịch có kiểm soát an toàn, tạo việc làm, sinh kế cho người dân địa phương gắn bó lâu năm. Đối với nuôi biển xa bờ ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển mạnh loại hình nuôi này do tỉnh còn rất nhiều dư địa; sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại, mang lại sản lượng, giá trị cao.
Ngoài ra, tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn cần có giải pháp hỗ trợ cung ứng giống, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống nhập vào tỉnh trước khi cung cấp đến với người nuôi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, nuôi biển là lĩnh vực kinh tế đa ngành, đa nghề, đa giá trị; để đạt được mục tiêu, định hướng nêu trên cần có sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Theo đó, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó, quan tâm quy định chính sách hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp nuôi biển xa bờ và đối tượng chuyển đổi từ nghề khai thác thủy sản sang nuôi biển hoặc chuyển đổi từ lồng bè nuôi truyền thống kết cấu gỗ sang lồng bè nhựa HDPE.
"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi biển; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ tỉnh Kiên Giang thực hiện các dự án, đề án đánh giá sức tải môi trường phục vụ bố trí các vùng nuôi biển; xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu nuôi biển và thành lập Trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực viên biển tại Kiên Giang", Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Nhàn đề xuất.