Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, sau 7 năm thực hiện theo khuyến cáo của EC, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, việc quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản vẫn chưa hoàn thành; công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá trên biển, xuất nhập bến, ra vào cảng tại nhiều địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định, sản lượng thủy sản khai thác được giám sát phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc đạt tỷ lệ thấp…
Trước tình trạng trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, thời gian tới, nếu tàu cá tiếp tục khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển các nước sẽ rất khó thuyết phục phía EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho chúng ta.
Tại cuộc họp, các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị những việc cần làm ngay, như: Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế; có giải pháp cụ thể quản lý đối với từng nhóm tàu cá nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra, giám sát, điều tra, xác minh và nhất là xử lý nghiêm hành vi vi phạm để răn đe…
Thông qua cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đều thể hiện quyết tâm trong thực hiện giải pháp giám sát tàu cá chặt chẽ hơn nữa thời gian tới, nhất là đối với nhóm tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý, việc thực hiện các biện pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" của EC không phải để “đối phó” mà là đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững cho ngành Thủy sản cũng như lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân... Từ đó, góp phần giữ vững nền quốc phòng - an ninh trên biển của quốc gia.
Sau khi nghe báo cáo từ thực tế triển khai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, vẫn còn tình trạng lúng túng, chưa nhịp nhàng, đồng bộ trong thực hiện chống khai thác IUU. Điển hình nhất vẫn là chưa kiểm soát được thiết bị giám sát, phương tiện, con người hoạt động khai thác trên biển…
Để thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, các bộ, ngành, địa phương rà soát, quán triệt nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thủy sản.
Đồng thời Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp xử lý những vụ việc liên quan đến khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, tạo tính răn đe, nghiêm khắc, đúng theo quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhất là trách nhiệm chính của thuyền trưởng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xem xét quy trình kiểm định, cấp phép tàu cá theo yêu cầu khả thi, thiết thực, khoa học nhằm tăng cường năng lực. Bộ Quốc phòng nâng cao tính hiệu quả thiết bị giám sát hành trình và cung cấp miễn phí thiết bị cho tàu cá theo quy định, xem đây là tài sản quốc gia, mọi vi phạm phải được xử lý theo quy định pháp luật.
Lực lượng kiểm ngư chủ trì, phối hợp cùng các lực lượng mở tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát triệt để tất cả tàu cá trên biển, đặc biệt là tàu “3 không”, nhóm tàu có nguy cơ cao khai thác vi phạm. Cùng với đó, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng chủ công là Công an rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tàu cá xóa đăng ký, giám sát chặt, thông tin đầy đủ…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đến ngày 20/11, tất cả địa phương ven biển phải xử lý dứt điểm các tàu thuộc diện “3 không”. Trước mắt, đến cuối tháng 10 phải có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các lực lượng chấp pháp trên biển và đơn vị, địa phương ven biển về quản lý tàu cá.