Tỉnh yêu cầu người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác hải sản IUU; coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu áp đặt đối với thủy sản Việt Nam. Các sở, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao…
Thái Bình chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên biển và tại các cảng cá, bến cá, điểm lên cá... trên địa bàn; ngăn chặn tàu cá tỉnh Thái Bình vi phạm vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm theo quy định các chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác, xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm.
Lực lượng chức năng bố trí phương tiện, lực lượng trực tại các cảng cá để kiểm soát tàu cá ra, vào các cảng cá, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; theo dõi, kiểm soát, giám sát hành trình tàu cá; vận hành, khai thác kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin tàu cá giữa các cơ quan, đơn vị để quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản...
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá, bến cá, các âu, lạch tàu cá thường xuyên neo đậu, qua lại đảm bảo 100% tàu cá xuất, nhập bến có đầy đủ thủ tục, giấy tờ còn hiệu lực theo quy định.
Công an tỉnh tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép, hành vi giả mạo trong chứng nhận nguồn gốc hải sản, các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép.
Các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên các vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Các sở, ban, ngành tổ chức đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng cho các chủ phương tiện tàu cá còn thiếu hoặc có bằng, chứng chỉ nhưng chưa phù hợp để đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định trước khi xuất bến.
Hiện, toàn tỉnh Thái Bình có 715 tàu cá hoạt động khai thác hải sản. Tất cả tàu cá đều được kẻ biển và đánh dấu đầy đủ theo quy định; 99,4% tàu cá được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên đều được kiểm tra và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật.