Sản lượng giảm, ngư dân Kiên Giang kỳ vọng chuyến biển cuối năm

Ngư dân Kiên Giang đặt kỳ vọng vào 2 tháng cuối năm sóng yên biển lặng để đánh bắt được nhiều cá tôm, bù lại cho những tháng đầu năm đã thất thu.

Chú thích ảnh
Tàu cá của ngư dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) xuất hành ra khơi chuyến biển đầu năm mới 2024. Ảnh minh họa: Lê Huy Hải/TTXVN

Trong 11 tháng năm 2024, tổng sản lượng khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang đạt hơn 392.000 tấn, giảm khoảng 11.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023. Theo chia sẻ của các chủ tàu khai thác và ngành nông nghiệp tỉnh, sản lượng khai thác thủy sản giảm là do thời tiết trên biển diễn biến bất lợi, nhiều tháng liền các tàu cá phải neo đậu tránh trú bão, đồng thời sản lượng thủy sản tại nhiều ngư trường truyền thống giảm nên số lượng tôm, cá đánh bắt không được nhiều như trước đây.

Là một trong những ngư dân gắn bó lâu năm với nghề khai thác đánh bắt, ông Nguyễn Văn Dũng (65 tuổi) chủ tàu cá ở xã Bình An, huyện Kiên Lương cho biết, gia đình có 2 tàu cá đánh bắt xa bờ và từ đầu năm 2024 đến nay khai thác được khoảng 40 tấn tôm, cá các loại. Sản lượng này giảm hơn 5 tấn so với cùng kỳ của nhiều năm trước đây. Chẳng những vậy, có nhiều thời điểm giá một số mặt loài thủy sản như cá đù, cá nục, tôm biển, mực nan, mực lá còn sụt giảm khiến cho ông cũng như nhiều chủ tàu ở địa phương thất thu. Nguyên nhân sản lượng khai thác giảm theo ông Dũng là do thời tiết bất lợi, tàu phải thường xuyên neo đậu tránh trú bão, nhiều ngày. Cùng với đó, ở các ngư trường số lượng tôm, cá đánh bắt được những năm gần đây có xu hướng giảm dần.

“Hai chiếc tàu của tôi có trên 20 ngư phủ và tài công đi cùng, vậy nên lợi nhuận giảm không chỉ thất thu cho chủ tàu mà nguồn thu nhập của anh em đi theo tàu cũng giảm. Nếu như trước đây một chuyến ra khơi đánh bắt trong vòng 1 tháng, tàu khai thác được khoảng 3 tấn cá tôm, bán được 250 triệu đồng, trừ chi phí ra còn lời khoảng 120 triệu đồng, tiền chia cho mỗi ngư phủ được 10 triệu đồng/chuyến. Còn từ đầu năm 2024 đến nay, tàu đậu tránh bão khoảng 2 tháng, chỉ còn 9 tháng khai thác, sản lượng cũng khoảng 2,5 tấn thủy sản nên lợi nhuận chưa được 80 triệu đồng và tiền công cho ngư phủ chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chúng tôi đặt kỳ vọng vào 2 tháng cuối năm sóng yên biển lặng để đánh bắt được nhiều cá tôm bù lại cho những tháng đầu năm đã thất thu”, ông Dũng nói.

Còn theo ông Nguyễn Cao Tường, chủ tàu cá ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, gia đình có 4 tàu làm nghề câu mực và cào đôi bắt cá, tôm. Hoạt động khai thác hải sản từ đầu năm 2024 đến nay gặp nhiều khó khăn, bất lợi do các tàu phải neo đậu tránh trú dông bão trong 7 đợt (khoảng hơn 2 tháng). Bên cạnh đó, số lượng tôm, cá, mực đánh bắt được ở các ngư trường cũng không được nhiều như những năm trước nên sau các chuyến vươn khơi bám biển (40 ngày), chủ tàu có lời khoảng 30 triệu đồng/chuyến, mỗi ngư phủ được chia từ 10 - 15 triệu đồng; mức thu nhập này giảm khoảng 30% với với trước đây.

Ông Tường cũng cho hay, trong quá trình tham gia khai thác hải sản, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được lực lượng chức năng triển khai thường xuyên, liên tục, giúp cho các thành viên trên tàu nắm rõ và thực hiện nghiêm. Cụ thể, các cán bộ bên Đồn Biên phòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Cảnh sát biển tổ chức họp mặt, gặp gỡ phát tài liệu, tờ rơi hướng dẫn cho chủ tàu, ngư phủ các quy định nào được phép và không được phép. Đồng thời, tổ chức các đợt kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, ngư lưới cụ, giấy phép khai thác thủy sản, giấy tờ về ngư phủ…

“Qua tuyên truyền nhắc nhở của lực lượng chức năng giúp chúng tôi hiểu rõ nên trang bị đầy đủ mọi thứ và chỉ đến khai thác trong vùng biển nước mình, không đến gần hoặc đánh bắt ở vùng biển nước ngoài để không vi phạm pháp luật. Bản thân tôi cũng như nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ ở địa phương đều nóng lòng mong muốn ngành khai thác thủy sản nước ta được EU gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU để tình hình xuất khẩu thủy sản được sôi động và hiệu quả kinh tế cao hơn so với những năm gần đây", ông Tường chia sẻ.

Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, sản lượng thủy sản khai thác 11 tháng của năm 2024 được hơn 392.000 tấn, đạt 90% năm, giảm khoảng 11.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt thủy sản, theo ông Toàn, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường thông tin, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ như lưới rê hỗn hợp, lưới chụp, lưới vây rút chì kết hợp ánh sáng, lưới rê 3 lớp trên khối tàu xa bờ; lồng bẫy mực lá, lồng bẫy khai thác ốc hương và ghẹ; phương pháp câu dòng dài sử dụng dây câu chính dài với nhiều dây nhánh phụ được trang bị lưỡi câu, thả tự do trên biển; kỹ thuật đánh bắt bằng vệ tinh ứng dụng thiết bị hiện đại thu nhận tín hiệu vệ tinh, xác định vị trí, hướng di chuyển và mật độ đàn cá; phương pháp sử dụng thiết bị phát sóng âm thanh để phát hiện, đo lường số lượng, kích thước và hành vi của cá trong môi trường nước.

“Việc ứng dụng các phương pháp hiện đại không chỉ gia tăng năng suất khai thác mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thủy sản, hướng đến phát triển ngành ngư nghiệp bền vững”, ông Lê Hữu Toàn nhấn mạnh.

Văn Sĩ (TTXVN)
Sôi nổi chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân tại Hạ Long
Sôi nổi chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân tại Hạ Long

Tiếp tục thực hiện công tác dân vận tại các địa phương ven biển, ngày 22/11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh cùng Thành ủy, UBND thành phố Hạ Long tổ chức chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN