Các địa phương, đơn vị tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai IUU qua kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung cao điểm việc đăng ký, đăng kiểm, nhất là nhóm tàu cá “3 không”; khẩn trương cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá đã đăng ký nhưng chưa có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản với nỗ lực cao nhất, yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/9. Các đơn vị, địa phương tăng cường cao điểm xử lý răn đe các chủ tàu cá, phương tiện không phối hợp trong việc thực hiện hồ sơ đăng ký tàu cá “3 không".
Liên quan đến xử lý, xử phạt các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát lại các quy định của pháp luật để tiến hành “phạt nguội” các trường hợp mất kết nối từ dữ liệu Trung tâm giám sát tàu cá. Đối với từng vụ việc, trường hợp mất kết nối trên biển, Trung tâm giám sát tàu cá phải có phân tích nguyên nhân và kết luận rõ ràng để có biện pháp xử lý. Các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm khắc phục sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp hạ tầng cảng cá, đảm bảo vệ sinh môi trường cảng cá.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã tập trung thảo luận những khó khăn, tồn tại đồng thời đề xuất các giải pháp tập trung khắc phục tình trạng ngư dân vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; kiểm tra, giám sát các tàu cá không được cấp phép khai thác; hoàn thành việc lắp đặt và quản lý thiết bị giám sát hành trình; biện pháp xử lý các đối tượng vi phạm IUU…
Thực tế hiện nay, việc chống khai thác IUU tại Bình Thuận vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại. Việc thông báo đến từng chủ tàu, yêu cầu cam kết thực hiện thủ tục về Giấy phép khai thác thủy sản còn chậm. Đến nay, vẫn còn 1.659 tàu cá chưa có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản. Tình trạng tàu cá mất kết nối thường xuyên xảy ra nhưng công tác xử lý vi phạm hành chính còn chậm. Toàn tỉnh có 619 tàu mất kết nối trên biển trên 6 giờ không thông báo về bờ và 113 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản còn vướng là do chủ phương tiện sơn tàu cá không đúng quy định. Một phần, tỉnh chưa đánh giá khảo sát nguồn lợi thủy sản vùng lộng nên việc cấp giấy phép ở nhóm tàu dưới 15 mét vẫn cấp theo hạn ngạch một năm một lần. Thêm nữa, hiện tại đang vào cao điểm khai thác vụ cá Nam, tàu cá đi đánh bắt khai thác nên điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động cấp giấy phép.
Để giải quyết vấn đề này, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục gửi danh sách các tàu chưa thực hiện cấp phép khai thác thủy sản để các địa phương nắm bắt, khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc các chủ tàu cá thực hiện thủ tục cấp phép khai thác thủy sản; nhanh chóng hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Với mục tiêu giữ vững những kết quả đã đạt được, khắc phục khuyến nghị của EC, góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU, Bình Thuận đã có những bước tiến quan trọng.
Nổi bật, việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã được các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp.
Đặc biệt, là lập danh sách đưa vào giám sát đặc biệt các tàu cá có “nguy cơ cao” và phân công, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức trực ban 24/24h tại Trung tâm giám sát tàu cá để nhắc nhở chủ tàu duy trì tín hiệu thiết bị giám sát tàu cá khi hoạt động trên biển… đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ giữa năm 2023 đến nay, Bình Thuận không xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bám sát khuyến nghị của EC, Bình Thuận triển khai nghiêm túc việc quản lý đội tàu; kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá và giám sát sản lượng, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho 71% tàu cá (4.308 tàu) và 84% tàu cá (3.242 tàu) từ 12 mét trở lên được đăng kiểm. Để kiểm soát tàu cá “3 không”, địa phương đã cấp đăng ký tạm cho 2.499 tàu cá “3 không” (đạt gần 99%). Đồng thời hỗ trợ 1.370 tàu cá làm thủ tục hồ sơ để đăng ký chính thức.
Bình Thuận đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động. Từ đầu năm đến nay, các cảng cá đã thực hiện giám sát hơn 21.100 tấn hải sản bốc dỡ qua cảng; thu 4.807 sổ nhật ký khai thác (đạt 65%).
Song song đó, các lực lượng chức năng phối hợp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm 283 trường hợp vi phạm khai thác IUU, chủ yếu là các hành vi vi phạm như: tàu cá hoạt động không đăng ký; sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác; tàng trữ công cụ, kích điện để khai thác hải sản…