Động thái này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của tỉnh Bình Dương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn nằm trong chiến lược lâu dài giảm số lượng trạm thu phí BOT trên địa bàn. Điều này mang lại lợi ích thiết thực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đỡ tốn phí BOT, ngành vận tải mừng
Công ty cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Bình Thắng (nằm trên tuyến đường ĐT 743A, thành phố Dĩ An), đã chính thức dừng thu phí và bắt đầu tháo dỡ các hạng mục kỹ thuật kể từ ngày 22/10/2024 đã khiến nhiều phương tiện lưu thông qua đây thông thoáng, thoải mái vì không tốn tiền cho trạm thu phí.
Theo ghi nhận, hiện một phần mái che trạm thu phí đã được tháo dỡ, không còn nhân viên ngồi canh thu phí như trước đây.
Trạm thu phí Bình Thắng thuộc dự án cải tạo và nâng cấp tuyến Bình Thung - Tân Vạn (nay là đường ĐT 743A) theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Trạm này bắt đầu hoạt động từ năm 2004 đến nay hoàn thành hợp đồng. Sau khi trạm thu phí ngừng hoạt động, đường ĐT 743A được tiếp tục sử dụng như một tuyến giao thông chính trong khu vực mà không còn thu phí. Việc dừng hoạt động và tháo dỡ trạm này đánh dấu sự kết thúc của hợp đồng BOT, đồng thời giúp giảm đáng kể chi phí vận tải cho các doanh nghiệp logistics thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường trọng điểm này.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc dừng thu phí tại trạm Bình Thắng được thực hiện theo đúng quy định pháp lý, với sự phối hợp của các cơ quan liên quan để đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ. Trước đó, vào tháng 10/2020, trạm thu phí trên Quốc lộ 1K (phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An) cũng đã dừng hoạt động.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương nhấn mạnh: “Việc giảm bớt các trạm thu phí BOT là một bước đi thiết thực, giúp Bình Dương cài thiện môi trường đầu tư; đồng thời mang lại lợi ích rõ ràng cho các doanh nghiệp logistics. Chi phí vận tải vốn đã là gánh nặng lớn, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn khi giá nguyên liệu tăng và đơn hàng giảm. Việc giảm bớt các trạm thu phí sẽ giúp hạ giá thành vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.”
Bởi, Bình Dương là trung tâm công nghiệp lớn với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Do đó, việc giảm số lượng trạm thu phí sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển đáng kể, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Gánh nặng vẫn còn đó
Mặc dù đã dừng hoạt động trạm thu phí Bình Thắng, tỉnh Bình Dương hiện vẫn còn tới 9 trạm thu phí BOT khác trên các tuyến đường chiến lược. Điều này vẫn là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt trên Quốc lộ 13 - tuyến đường huyết mạch kết nối TP Hồ Chí Minh qua Bình Dương về Bình Phước. Tại đây, hai trạm thu phí tại phường Tương Bình Hiệp (thành phố Thủ Dầu Một) và phường Vĩnh Phú (thành phố Thuận An) gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp lớn ra cảng biển TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu.
Cùng với đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 1.367 tỷ đồng lên tổng mức hơn 12.463 tỷ đồng. Theo đó, dự báo các trạm thu phí BOT đặt trên quốc lộ này sẽ kéo dài hoạt động trong nhiều năm tới để thu hồi vốn.
Ngoài ra, một số trạm thu phí khác như trạm cầu Phú Cường trên đường từ TP Hồ Chí Minh qua Bình Dương hay trạm tại xã Phước Hòa (huyện Phú Giáo) cũng đang tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Mặc dù Bình Dương đã lên kế hoạch sắp xếp lại các trạm thu phí từ năm 2019, nhưng việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do các vấn đề pháp lý và nguồn ngân sách. Đại diện Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết, đề án mua lại các trạm thu phí bằng ngân sách nhà nước vẫn đang gặp nhiều trở ngại, vì luật hiện hành không cho phép sử dụng ngân sách để mua lại các dự án BOT.
Theo ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, tỉnh đã tích cực tìm giải pháp để giảm thiểu các trạm thu phí BOT trên địa bàn; trong đó, sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quy trình mua lại các trạm thu phí BOT, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang lo ngại việc mua lại các dự án BOT bằng ngân sách nhà nước có thể tạo áp lực lớn cho ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay.
Dù còn nhiều khó khăn, việc Bình Dương từng bước giảm dần các trạm thu phí, cụ thể giảm được 1/10 trạm trên địa bàn vẫn là một bước tiến quan trọng, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và thể hiện sự cam kết của tỉnh Bình Dương trong việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư cũng như phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra thông suốt hơn về giao thương hàng hóa qua địa bàn thủ phủ công nghiệp của tỉnh này.