Bộ Công Thương chia sẻ về đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần

Chiều 7/1, Bộ Công Thương họp báo thường kỳ quý 4/2024. Đại diện Bộ Công Thương cho biết việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng. Hiện dự thảo nghị định vẫn đang lấy ý kiến góp ý.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Điện lực Hai Bà Trưng kiểm tra tiếp xúc tại hòm công tơ cấp điện cho hộ dân tại khu vực phường Quỳnh Lôi (Hà Nội). Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân không phải bây giờ mới đề cập, trước đó đã có Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với quy định thời gian tối thiểu được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 6 tháng. Sau đó, trong tháng 5/2024, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; điều chỉnh chu kỳ điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.

Đến hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục Điều tiết điện lực xây dựng nghị định về cơ chế điều chỉnh và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nghị định mới này sẽ được xây dựng và ban hành đồng thời với thời gian có hiệu lực của Luật Điện lực (sửa đổi), tức là ngày 1/2/2025. Theo đó, dự thảo nghị định đang đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống 2 tháng.

“Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng. Hiện dự thảo nghị định vẫn đang lấy ý kiến góp ý các đơn vị, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động. Sau khi tổng hợp tất cả ý kiến, Cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để tham mưu ra một cơ chế phù hợp nhất trong thời gian sắp tới” - đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây chúng ta thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng, sau rút xuống còn 3 tháng, đến nay phải theo Luật Điện lực sửa đổi nên phải điều chỉnh, sửa đổi lại. Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Công Thương đã tham khảo ý kiến và dự kiến đưa ra lộ trình ngắn hơn.

“Đây là câu chuyện liên quan đến tính thị trường. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều nội dung nghiên cứu thêm. Chúng tôi đang yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phải nghiên cứu, đánh giá tác động về việc rút xuống 2 tháng để có phương án hợp lý nhất” - ông Tân cho biết.

Tiếp tục thông tin về lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần, Cục Điều tiết điện lực cho hay tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu, xây dựng về cơ chế giá điện hai thành phần. Sau đó, Cục, Bộ lại giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp nghiên cứu, xây dựng.

Theo Cục Điều tiết điện lực, đây là chính sách mới ở Việt Nam, sẽ tác động rất lớn đến tất cả các đối tượng khách hàng. “Chính vì vậy chúng tôi đang yêu cầu EVN thu thập số liệu và đánh giá tác động trước khi có đề xuất cụ thể để Bộ Công Thương báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng theo lộ trình" - đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay.

Đức Dũng (TTXVN)
Chỉ số giá điện, thuê nhà tăng... khiến CPI tăng 0,13%
Chỉ số giá điện, thuê nhà tăng... khiến CPI tăng 0,13%

Chỉ số giá điện sinh hoạt, giá nhà ở thuê và vật liệu bảo dưỡng nhà ở... tăng là những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 11 tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77%. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN