Văn bản Bộ Công Thương nêu rõ, do chưa có chính sách quản lý nên đơn vị nhập khẩu thuốc lá ở Việt Nam là Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam chưa thực hiện việc nhập khẩu và kinh doanh thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vào Việt Nam. Hiện đang có khoảng trống pháp lý trong việc quản lý loại hình sản phẩm mới này, trong khi đó tình hình buôn lậu và sử dụng sản phẩm này rất phức tạp, chế tài xử lý chưa đủ mạnh.
Do chưa có quy định cụ thể nên các lực lượng chức năng chỉ xử lý hành chính, xử phạt tối đa 50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức. Cùng đó, chưa có chế tài xử lý mạnh như xử lý hình sự tương tự như hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển sản phẩm thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Trong khi, hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu với số lượng 1.500 bao có thể xử phạt hình sự theo quy định.
Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng.
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 8.000 vụ, xử lý hàng trăm nghìn bao thuốc nhập lậu. Trong đó, xử lý hơn 10 nghìn sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thu nộp ngân sách nhiều tỷ đồng. Qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng cũng phát hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử đều là nhập lậu, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đã có 2 văn bản báo cáo Chính phủ về xây dựng chính sách quản lý với các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Bộ dự kiến sẽ đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của nghị định thay thế Nghị định số 67/2013 về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp.
Trong nhiều năm qua, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chưa được quản lý, chưa được lưu hành nhưng đã được bán trên thị trường và mạng internet. Do chưa có biện pháp quản lý và chế tài xử lý đủ mạnh nên các hoạt động kinh doanh, quảng cáo tự phát tràn lan, vi phạm quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân và các hệ luỵ khác đối với xã hội, bên cạnh việc nhà nước không thu được các nguồn thu thuế cho ngân sách.
Bộ Công Thương kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuốc lá điện tử đồng thời kiến nghị giao Bộ Y tế nghiên cứu và đề xuất chính sách quản lý phù hợp trên cơ sở đánh giá tác động của loại hình sản phẩm mới này với sức khỏe người tiêu dùng.
Về nội dung này, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã đề xuất chính sách quản lý các loại hình sản phẩm mới này theo hướng chỉ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm việc sản xuất, nhập khẩu và lưu thông thuốc lá làm nóng như sản phẩm thuốc lá trong thời gian 2 năm theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Đối với thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý thí điểm đối với thuốc lá điện tử trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong thời gian chưa ban hành chính sách, Bộ Công Thương kiến nghị chưa cho phép lưu hành sản phẩm thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
“Đối với quan điểm của Bộ Y tế về việc cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, Bộ Công Thương cho rằng Bộ Y tế có trách nhiệm nghiên cứu và đánh giá một cách có cơ sở khoa học đối với tác hại của các loại sản phẩm này tới sức khỏe người sử dụng. Trường hợp các sản phẩm này có tác hại tới mức phải cấm lưu hành và sử dụng thì Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm này của Bộ Y tế trên cơ sở bảo vệ sức khỏe toàn dân”, ông Ngô Khải Hoàn cho biết.