Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung chỉ đạo các đơn vị trong tập đoàn, huy động, tăng cường tối đa mọi nguồn lực cả trong và ngoài ngành điện, khẩn trương khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện trở lại an toàn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; trong đó, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, hoạt động sản xuất quan trọng và phụ tải khác theo thứ tự ưu tiên theo đề xuất của các địa phương. Đồng thời, chỉ đạo công ty điện lực tại địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành tại địa phương tham gia phối hợp chặt chẽ với ngành điện để ứng phó, khắc phục hậu quả của bão.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của các hình thái thiên tai; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với các sự cố bất thường có thể xảy ra. Ngoài ra, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, các thủy điện nhỏ hoặc đang thi công, sửa chữa; vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du phù hợp với diễn biến của mưa, lũ, nhất là các hồ chứa nước lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà.
Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24h, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện. Sẵn sàng mọi phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì vận hành an toàn hệ thống điện khi có sự cố xảy ra.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng phối hợp chặt chẽ với các công ty điện lực tại địa phương trong công tác khắc phục sự cố hệ thống điện. Tham mưu, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị điện lực và các đơn vị khác liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong việc khắc phục các sự cố do mưa lũ gây ra để cấp điện trở lại an toàn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; tạo điều kiện tối đa để các đơn vị điện lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn đối với hệ thống lưới điện thuộc địa bàn quản lý.
Chỉ đạo các đơn vị trong lĩnh vực công thương tại địa phương tăng cường giám sát an toàn, có phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc, thiết bị và chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện, vật tư để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra; không cho phép xây dựng lán trại, nhà tạm tại những khu vực có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vùng trũng thấp; cương quyết xử lý các đơn vị vi phạm.
Cùng đó, chỉ đạo chủ đập trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và yêu cầu nhiệm vụ tại công điện này. Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ khắc phục sau bão cho vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; vận động, giám sát, yêu cầu đơn vị kinh doanh mặt hàng thiết yếu,vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước cam kết bình ổn giá hàng hóa.
Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn để có phương án cung cấp hàng hóa lưu động trong khu vực, tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Khi có sự cố xung quanh khu vực bán hàng, cần sớm xử lý để tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, kịp thời.
Các đơn vị cũng đánh giá khả năng cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho khu vực bị chia cắt do bão, lũ; đề xuất nhu cầu điều phối nguồn hàng thiết yếu qua kênh phân phối để kịp thời cung cấp cho người dân và bình ổn thị trường tại địa phương (nếu có).
Ngoài ra, phối hợp cùng các lực lượng chức năng trong ngành quân đội, công an, giao thông vận tải… tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, xăng dầu được ưu tiên lưu thông, vận chuyển vào vùng bị chia cắt, cô lập trong điều kiện bảo đảm an toàn.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Điều tiết điện lực theo dõi chặt chẽ tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục sự cố hệ thống điện do bão, hoàn lưu bão và mưa lũ gây ra. Đặc biệt, các phụ tải quan trọng cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, hoạt động sản xuất quan trọng và phụ tải ưu tiên đã được địa phương phê duyệt. Tổng hợp báo cáo kịp thời về các sự cố hệ thống lưới điện.
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng găm hàng, đẩy giá, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại khu vực bị ảnh hưởng bởi siêu bão, hoàn lưu bão.
Vụ Thị trường trong nước triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hoá thiết yếu tại địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu; thực hiện việc điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Đồng thời, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý trong tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Thường xuyên cập nhật tình hình thị trường các hàng hóa thiết yếu đến các phương tiện truyền thông đại chúng và chuyển thông tin kịp thời đến lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát trong trường hợp có dấu hiệu găm hàng, tăng giá bất hợp lý.