Theo đó, ông Hùng cho biết hiện nay lãi suất nguồn vốn đầu vào của các công ty tài chính tiêu dùng đang cao hơn ngân hàng thương mại bởi họ phải huy động từ các tổ chức kinh tế, thay vì từ dân cư như các ngân hàng. Thêm nữa, đối tượng cho vay của các công ty này là đối tượng dưới chuẩn, rủi ro cao đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro lớn. Tất cả những điều này khiến mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đang cao hơn ngân hàng thương mại.
"Tuy nhiên, hiện nay mặt bằng lãi suất bình quân đang rất thấp. Kỳ vọng trong thời gian tới, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ huy động được nguồn vốn rẻ hơn để từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là trong những tháng cuối năm", ông Hùng nói.
Cũng liên quan đến vấn đề lãi suất, theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia tại hội thảo, mức lãi suất và các khoản phí cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tối đa từ 20-25%/năm là phù hợp, đảm bảo khả năng chi trả của người vay cũng như đặc thù của hoạt động cho vay tiêu dùng.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn.
Nói về nguyên nhân tín dụng tiêu dùng giảm tốc, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng hầu như các công ty tài chính đều đang gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế còn có những yếu tố chủ quan và rất nguy hiểm mà chưa có chế tài xử lý. Trong đó, yếu tố chính là khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền.
Ngoài ra, theo ông Hùng, một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên các mạng xã hội như zalo, facebook... nhưng chưa có chế tài xử lý.
"Thực trạng này dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đến nay chỉ còn 135.000 tỷ đồng, giảm hơn 65.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trong khi đó, nợ xấu tăng rất cao đến 20%. Hệ lụy là người dân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay chính thống, trong khi tín dụng đen lại có đất để trỗi dậy", Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.
Cũng bàn về những khó khăn của hoạt động cho vay tiêu dùng, chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đánh giá tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Tính đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng giảm 10,2% so với cuối năm 2022. Trong khi nợ xấu của nhóm này tăng từ mức 10,7% hồi cuối 2022 lên 12,5%.
Bên cạnh đó, tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến những người muốn vay tiền khó phân biệt được các công ty tài chính hay fintech có đủ giấy phép hoạt động chính thống. Nhiều người vin vào việc các công ty tài chính không chính thống bị lực lượng chức năng kiểm tra để tẩy chay, trốn nợ và xúi giục người khác bùng nợ, khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) dẫn số liệu thống kê cho biết lực lượng công an đã khởi tố 90 vụ án với hơn 400 bị can hoạt động tín dụng đen. Trong đó, hoạt động tín dụng đen chủ yếu trên môi trường không gian mạng và cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm/năm. Dự báo trong những tháng tới, tình hình tội phạm tín dụng đen sẽ diễn biến phức tạp giữa bối cảnh nhu cầu tài chính của người dân tăng cao dịp cuối năm. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng và có hành vi đòi nợ gây bức xức trong dư luận.
"Cơ quan công an vừa qua đã triệt phá một số nhóm tội phạm núp bóng dưới công ty luật, mua bán các khoản nợ của công ty tài chính rồi gọi điện đe dọa người vay, người thân, đồng nghiệp của người vay để đòi nợ. Đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành để ngăn chặn hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, mở rộng các kênh cho vay chính thức, hợp pháp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.