Chuyên gia Đức đánh giá tích cực hiệu quả mang lại sau 3 năm thực hiện EVFTA

Nhân dịp 3 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, phóng viên TTXVN tại Đức đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đức, Tiến sỹ Daniel Müller, Giám đốc khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV), về hiệu quả mà hiệp định mang lại cho giao thương giữa Việt Nam và Đức, cũng như những biện pháp nhằm khai thác tốt hơn nữa hiệp định này.

Chú thích ảnh
  Bốc xếp gạo xuất khẩu. Ảnh (minh họa): TTXVN 

Theo Tiến sĩ Müller, về tổng thể, việc thực thi EVFTA trong 3 năm qua đã mang lại kết quả tích cực. Ông cho biết bất chấp những hạn chế do đại dịch COVID-19, khối lượng thương mại của Việt Nam với EU và Đức vẫn tăng đáng kể và đạt mức cao kỷ lục. Trong năm 2022, theo số liệu của Cục Thống kê liên bang Đức công bố tháng 8/2023, tổng khối lượng thương mại của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) lên tới 64,3 tỷ euro, với Đức đạt 18,1 tỷ euro, trong đó xuất siêu của Việt Nam với EU là ,9 tỷ euro và với Đức là 11,3 tỷ euro. Những tác động trực tiếp và tích cực của EVFTA đối với sự gia tăng khối lượng thương mại này là hợp lý, trong đó sức hấp dẫn kinh tế chung của Việt Nam - cũng như trong quá trình tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc hàng hóa có nhu cầu đặc biệt trong cuộc khủng hoảng COVID-19 đóng một vai trò quan trọng. Trong khi đó, giao thương về mảng dịch vụ cũng gia tăng, mang lại thặng dư cho EU.

Đối với các công ty Đức, EVFTA được coi là "điểm cộng" quan trọng trong việc thiết lập quan hệ trao đổi kinh tế mới hoặc mở rộng cam kết hiện có với Việt Nam. Do EVFTA dần loại bỏ thuế quan trong vài năm tới nên có thể kỳ vọng những tác động tích cực hơn nữa. Về khả năng tiếp cận các lĩnh vực thương mại riêng lẻ tại thị trường Việt Nam, ông Müller cho biết Việt Nam trước đây cũng đã mở cửa trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, khi EVFTA đi vào thực thi, các quyền tiếp cận này đã được quy định một cách ràng buộc, đáng tin cậy hơn. Những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam khi tham gia EVFTA cũng đã khiến các nước ASEAN khác như Thái Lan và Indonesia ngày càng quan tâm hơn đến một hiệp định tương tự với EU. Theo Tiến sĩ Müller, về cơ bản, EVFTA mang lại những kết quả tích cực, đặc biệt là đối với Việt Nam khi xuất khẩu tăng rõ rệt, trong khi EU và Đức cũng được hưởng lợi từ việc nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam.

Theo chuyên gia Đức, EVFTA mang lại nhiều cơ hội mà các công ty cần tích cực nắm bắt và khai thác hiệu quả hơn nữa. Theo Tiến sĩ Müller, cần phải tiến hành các chiến dịch thông tin hướng tới các nhóm mục tiêu kết hợp với dịch vụ tư vấn cho các công ty Việt Nam quan tâm. Điều này có thể được thực hiện như thông qua các hiệp hội ngành nghề. Để dễ hình dung các quy trình cần thiết và những lợi ích tiềm năng, có thể nêu ra một số doanh nghiệp đặc thù để những doanh nghiệp khác, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể định hướng theo.

Ngoài ra, năng lực xuất khẩu nói chung của các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục được thúc đẩy một cách có hệ thống. Bên cạnh đó, việc giới chức hai nước tiến hành trao đổi sâu rộng hơn về chính sách chính trị, kinh tế và phát triển có thể tạo động lực thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác. Về nguyên tắc, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cam kết đã đưa ra, trên hết là cải thiện khung pháp lý cho các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, vẫn cần chờ xem Đạo luật chuỗi cung ứng hiện đã có hiệu lực của Đức và một đạo luật tương tự tới đây của EU sẽ tác động như thế nào tới chuỗi cung ứng từ Việt Nam.

Tiến sĩ Müller đánh giá cao lợi thế trong hợp tác song phương khi nền kinh tế và doanh nghiệp hai bên có thể bổ sung lớn cho nhau. Hai bên có thể hưởng lợi từ việc các công ty Đức, với công nghệ và kinh nghiệm của mình, có thể góp phần đẩy mạnh tự động hóa và số hóa các quy trình sản xuất tại các công ty Việt Nam cũng như gia tăng năng suất ở Việt Nam. Hai bên cũng có thể tính tới việc cùng xây dựng và phát triển mạng lưới các nhà cung ứng cho sản xuất công nghiệp vốn đòi hỏi khắt khe của các công ty Đức tại Việt Nam. Tương tự, hai bên có thể cùng chăm lo phát triển lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Ngược lại, các doanh nghiệp Đức có thể kiểm tra cụ thể xem các công ty Việt Nam có những tiến bộ và giải pháp thú vị nào mà họ có thể áp dụng. Về vấn đề nguồn cung ứng, các công ty Đức nên hỗ trợ một cách có hệ thống cho các đối tác tại Việt Nam để giúp họ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong việc việc nhập khẩu vào EU và cũng để tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Theo chuyên gia Müller, cả Đức và Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội chưa khai thác hết. Tuy vậy, các công ty cần cẩn trọng tìm hiểu về những đặc thù cũng như văn hoá kinh doanh của hai bên để tránh những bất ngờ không cần thiết, thậm chí là thất vọng. Việc trao đổi và tiếp xúc thường xuyên giữa doanh nghiệp hai nước có thể tháo gỡ vấn đề này.

Mạnh Hùng (TTXVN)
Nhìn lại 3 năm hàng Việt Nam vào Pháp bằng EVFTA
Nhìn lại 3 năm hàng Việt Nam vào Pháp bằng EVFTA

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020, tạo nên dấu mốc quan trọng trên chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời mở ra một giai đoạn mới giúp mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN