Chiều 12/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc, chuyên đề “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc”.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha với tổng sản lượng khoảng trên 14 triệu tấn/năm. Do đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới nói chung và cho Trung Quốc nói riêng.
Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới, hàng năm nhập khẩu trên 17 tỷ USD rau quả, chiếm hơn 15% sản lượng nông sản trái cây xuất khẩu của toàn thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng từ 10%/năm.
Bên cạnh nguồn cung dồi dào, Việt Nam còn có lợi thế về vị trí địa lý với Trung Quốc. Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch 11 loại trái cây đặc sản như: Sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen.
Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, riêng Trung Quốc là 3,63 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả xuất khẩu.
Tuy vậy, theo ông Đặng Phúc Nguyên, thị trường Trung Quốc cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam, vì đây là thị trường có tính cạnh tranh cao.
Hàng Việt Nam khi sang Trung Quốc phải cạnh tranh với các đối thủ từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia… và một số nước ở Nam Mỹ như Peru, Ecuador. Đặc biệt, một số loại rau quả như: Chuối, thanh long, vải, nhãn, bưởi, gừng, tỏi… xuất khẩu còn phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt, thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được các yêu cầu.
Theo đại diện Hiệp hội rau quả, doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào Trung Quốc cần nắm bắt thời vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc… Chú ý khai thác các tỉnh, khu vực địa phương phía Bắc Trung Quốc như: Sơn Đông, Bắc kinh, Thượng Hải…
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ, do mùa đông ở phía Bắc Trung Quốc lạnh, nhiều vùng sản xuất rau củ gặp khó khăn. Nguồn cung rau củ từ châu Âu, Nhật Bản, Nga... cũng khan hiếm. Trong khi đó, Việt Nam là khu vực lý tưởng để sản xuất rau màu vụ đông, nhất là tại miền Bắc. Nếu được xuất khẩu chính ngạch, sản xuất rau vụ đông của Việt Nam sẽ đỡ rủi ro.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Vụ thị trường Á - Phi (Bộ Công Thương), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ đến 90% vải thiều, 80% thanh long của Việt Nam. Cùng với đó, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ đến 91% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu hàng thủy sản thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, đại diện Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp, thị trường Trung Quốc có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Do đó, doanh nghiệp cần chuyển mạnh sang hình thức thương mại điện tử chính quy, hướng tới sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp phải giảm phụ thuộc, tiến tới dừng xuất khẩu “tiểu ngạch”, cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, tăng cường tiếp cận vùng…