UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo UBND huyện Cầu Kè cắm biển cảnh báo khu vực bị sạt lở; thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng tình hình sạt lở tại khu vực này để người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất và đề phòng nguy cơ rủi ro, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở tại các vị trí trên. Huyện bố trí lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các địa phương có khu vực nguy cơ sạt lở chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nằm trong khu vực sạt lở di dời đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè Diêu Hùng Thắng cho biết, qua khảo sát, toàn tuyến hiện có 15 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1 km. Trong đó, có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng ăn sâu 5-10m, có đoạn không còn bãi, sạt lở lấn sát chân tuyến đường, chiều dài khoảng 210m, ảnh hưởng tới an toàn công trình. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, nguy cơ vỡ công trình là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân sinh sống tại 3 vị trí sạt lở trên và khoảng 200 hộ dân khác trong khu vực, 2 trường học, khoảng 250 ha vườn cây ăn trái, một điểm thờ tự (miếu thờ).
Từ giữa tháng 5/2024 đến nay, ở huyện Cầu Kè liên tục xảy ra tình trạng sạt lở ven sông Hậu khiến nhiều hộ dân thấp thỏm lo âu, trong đó, nhiều nhất ở các xã Hòa Tân, Ninh Thới và An Phú Tân. Bà Trần Thị Mộng Hoa (ấp An Bình, xã Hòa Tân) chia sẻ, những ngày qua, bà luôn nơm nớp lo sợ vì tuyến đê bao trước nhà bị sạt lở nghiêm trọng, chiều dài hơn 20m mà chưa được khắc phục. Trước đây, diện tích đất của gia đình bà từ nhà ra đến mép bờ sông là 1.000 m2 nhưng hiện sạt lở chỉ còn khoảng 500 m2.
Ông Cao Văn Dương (ấp Rạch Đùi, xã Ninh Thới) thông tin, mặc dù khu vực này trước đó được gia cố, tạo vành đai chắn sóng khá kiên cố để bảo vệ thân đê nhưng thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp đã làm khu vực này sạt lở ngày một nghiêm trọng, nhiều nơi tạo hàm ếch rất nguy hiểm. Trước đây, khoảng cách từ con đường này đến mép sông hơn 50m, hiện nay, do sạt lở, nước sông tiến sát chân đường. Người dân địa phương đều mong muốn Nhà nước sớm đầu tư hệ thống kè chắn sóng kiên cố, ngăn triều cường để được yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, không còn cảnh thấp thỏm lo âu mỗi khi mùa mưa đến.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quang Răng cho biết, khu vực ven sông Hậu có địa chất yếu, thường xuyên chịu tác động bởi triều cường, dòng chảy mạnh, sóng lớn do gió và tàu thuyền đi lại. Những năm gần đây, triều cường dâng cao làm ngập và sạt lở bờ sông, thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Năm 2021, huyện Cầu Kè đầu tư xây dựng công trình đường ven sông Hậu, cuối năm 2023 đưa vào sử dụng. Công trình hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, nhất là học sinh, đảm bảo bờ đê vững chắc, bảo vệ diện tích đất sản xuất và tính mạng, tài sản của người dân bên trong bờ bao… Tuy nhiên, những đợt triều cường gần đây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình.