Tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công Thương chiều 23/10, liên quan đến vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, nguồn tài chính…
Từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc Hội, nhưng do nhiều yếu tố về nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai.
Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân. Bộ Công Thương đã báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này.
"Bộ Công Thương đánh giá, việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, việc phát triển sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch Điện VIII rà soát điều chỉnh…", lãnh đạo Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, căn cứ Quy hoạch điện VIII và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở sức ép liên quan đến năng lượng tái tạo, nguồn điện nền có vai trò quan trọng, một số nước phát triển cũng đã sử dụng điện hạt nhân gấp 2-3 lần. Về công nghệ, quan điểm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo tuyệt đối an toàn, rủi ro về 0.
Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu, sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương, làm cơ sở tiếp tục triển khai.