Thực hiện Nghị quyết số /NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện mỗi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo kết quả rà soát, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ năm 2025 trình Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo nêu rõ, năm 2024, tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương là 54/642 (đạt 8,41%) quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Trong số đó, lĩnh vực quản lý cạnh tranh dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện kinh doanh và 1 thủ tục hành chính; lĩnh vực xuất nhập khẩu dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 1 điều kiện kinh doanh; lĩnh vực điện lực dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 9 điều kiện kinh doanh; lĩnh vực hóa chất dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 6 thủ tục hành chính. Ngoài ra, lĩnh vực ô tô dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 7 điều kiện kinh doanh, 3 thủ tục hành chính; lĩnh vực kinh doanh xăng dầu dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 2 điều kiện kinh doanh; lĩnh vực công nghiệp nhẹ (rượu, thuốc lá) dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 5 điều kiện kinh doanh, 10 thủ tục hành chính.
Theo Bộ Công Thương, tổng số văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh danh được kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa 23 văn bản quy phạm pháp luật. Trong số đó, có 3 luật: Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020; Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21/11/2007; Luật Điện lực số 28/2004/QH 11 ngày 3/12/2004. Cùng đó là 13 nghị định và 7 thông tư cũng được Bộ Công Thương cập nhật, sửa đổi và bổ sung.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng thông tin về kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thực thi trong giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2024. Cụ thể, Bộ Công Thương đã cập nhật, công khai thông tin, dữ liệu quy định kinh doanh trong các văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, có 196 yêu cầu, điều kiện; 288 thủ tục hành chính; 86 chế độ báo cáo; 6 kiểm tra chuyên ngành 75 tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Về tình hình biến động số quy định kinh doanh, Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 31/5/2020, tổng số quy định kinh doanh có hiệu lực là 662; tổng số quy định kinh doanh được bãi bỏ là 20; tổng số quy định kinh doanh biến động giảm từ ngày 31/5/2020 đến nay là 20; tổng số quy định kinh doanh đang có hiệu lực thi hành là 642. Cụ thể gồm: 1190 yêu cầu, điều kiện; 285 thủ tục hành chính; 86 chế độ báo cáo; 6 kiểm tra chuyên ngành; và 75 tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 3/2024, Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hóa 20/662 (đạt 3,021%) quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Cụ thể gồm điều kiện thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng (trong trường hợp website không có chức năng đặt hàng trực tuyến); điều kiện hoạt động đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin các nhân trong thương mại điện tử.
Bên cạnh đó là thủ tục hành chính cấp phép hoạt động cho thương nhân tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; 5 điều kiện về tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên); cấp sửa đổi, bổ sung Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên); cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu (có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên).
Đáng lưu ý còn có 3 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất mà Quyết định số 209/QĐ-TTg yêu cầu phải bãi bỏ (Cấp, cấp lại, cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF); 6 quy định yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với hoạt động sản xuất hóa chất DOC, DOC - PSF; 10 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến thương mại mà Quyết định số 209/QĐ-TTg yêu cầu phải bãi bỏ.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công thương và đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm khi phát hiện những quy định không còn phù hợp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công thương.