Thực tế, đây là loại hình mua bán không hề mới, nhưng nếu không quản lý hiệu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, thất thu thuế, để lại nhiều hệ lụy. Bên lề Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về vấn đề này.
* Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai): Thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử
Trước tiên cần nhìn nhận, đây là câu chuyện hết sức thuần túy của thị trường. Temu tham gia vào Việt Nam có thể thêm trang bán hàng cạnh tranh với các trang khác, để thị trường cạnh tranh sòng phẳng nhất là trong thị trường thương mại điện tử, Shopee đang chiếm thị phần rất lớn.
Sự xuất hiện của Temu không phải mới, thương mại điện tử đã tạo ra một làn sóng rất mạnh từ Trung Quốc và ngay cả Mỹ cũng như một số nước Đông Nam Á. Ở góc độ người tiêu dùng đương nhiên có lợi. Do vậy, cần nhìn nhận, đánh giá khách quan, xem nguy cơ, rủi ro, những mặt được và chưa được để đưa ra các biện pháp phù hợp.
Pháp luật hiện đã tương đối hoàn thiện, có quy định đầy đủ với loại hình này. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rõ về mua và bán trên các trang thương mại điện tử. Đồng thời, cũng đã có những nghị định quy định rất chặt chẽ vấn đề này.
Theo tôi tìm hiểu, dòng tiền của Temu trong năm qua khoảng 20 tỷ USD và đây là con số rất lớn, do đó, những thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân như Việt Nam, chắc chắn doanh nghiệp sẽ hướng tới.
Temu đã sử dụng biện pháp cạnh tranh cực kỳ quyết liệt, thậm chí có phần tiêu cực, khi dùng biện pháp giảm giá cực sâu, tập trung vào mặt hàng giá rẻ, thông dụng. Do đó, cần tìm hiểu kỹ xem doanh nghiệp này có thực hiện đúng quy trình khi vào Việt Nam hay không và vào Việt Nam bằng con đường nào. Hơn hết, cần đặc biệt chú trọng kiểm tra, quản lý chất lượng và xuất xứ hàng hóa.
Trước mắt, phải xử lý ngay về mặt thu thuế với Temu. Ngay cả với các mặt hàng giá trị nhỏ 200.000 đồng hay 500.000 đồng cũng cần phải áp thuế. Quốc hội đang xem xét, sửa Luật Thuế giá trị gia tăng; trong đó có quy định về thương mại điện tử, mua bán qua biên giới, đặc biệt hàng giá trị thấp dưới 1 triệu đồng.
Việc thu thuế không chỉ góp phần tăng thu ngân sách mà còn giám sát được nguồn hàng, quản lý được nguồn tiền và đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, không khuyến khích các sản phẩm kém chất lượng mà phải đa dạng sản phẩm, đa dạng nguồn cung cấp và tránh việc thiết lập hệ thống sản xuất khi họ đã chiếm lĩnh được thị trường. Do vậy, cần kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sản phẩm.
Nếu xảy ra trường hợp vi phạm về chất lượng, phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm theo quy định của Việt Nam. Cùng đó, các trang thương mại điện tử ở trong nước cũng phải có biện pháp để phát triển, đủ sức cạnh tranh. Người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nếu công khai minh bạch, rõ ràng nguồn gốc.
* Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang): Chấn chỉnh hoạt động các sàn thương mại điện tử
Hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật về việc quản lý các sàn thương mại điện tử. Do đó, những sàn thương mại điện tử như Temu xuất hiện bán hàng rầm rộ ở thị trường Việt Nam thời gian qua, cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa, đặt ra trách nhiệm cho cơ quan quản lý cần phải sớm rà soát và chấn chỉnh lại hoạt động quản lý đối với các sàn này tại Việt Nam.
Điều này càng cần thiết hơn khi hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc đang tràn ngập ngày càng nhiều hơn vào thị trường. Do đó, cần nhìn nhận và đánh giá kỹ lưỡng thực tế này, bởi sự xâm lấn thị trường của hàng hóa Trung Quốc đang tạo sức ép rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất trong nước.
Đặc biệt, nếu như hàng hóa đó xâm nhập một cách bất hợp pháp, trốn thuế và gian lận thương mại hoặc hoạt động khi chưa được cấp phép thì phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát.
Việt Nam cũng đang sửa một số luật thuế nhưng để đảm bảo tính đồng bộ, ngăn chặn được các sản phẩm gian lận thương mại, trốn thuế trên các kênh thương mại điện tử là vấn đề cần phải đánh giá thấu đáo.
Sự xâm nhập của hàng nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc, đã gây khó khăn cho nhà sản xuất Việt Nam, làm giảm và thu hẹp thị trường, giảm biên lợi nhuận và thậm chí không cạnh tranh nổi, có doanh nghiệp phải phá sản. Những điều này cũng cho thấy sức cạnh tranh hàng Việt đang bị yếu thế.
Sức ép cạnh tranh hiện nay đối với hàng Việt là khốc liệt do thương mại điện tử là kênh phân phối rất đặc thù. Vì vậy, cần phải nhìn nhận và đánh giá chính xác nguyên nhân để có giải pháp ứng phó cần thiết.
* Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ
Người dân hiện nay có thể mua hàng online. Nếu mua qua sàn thương mại điện tử trong nước sẽ thống kê được, nhưng nếu mua qua các mạng xuyên biên giới khó có thể thống kê .
Thời gian qua, sàn thương mại điện tử Temu quảng cáo rất rầm rộ, hàng hoá bán trên đó giá giảm đến 70% so với mặt bằng chung và có thể khiến người tiêu dùng trong nước tập trung mua hàng.
Đây là một cảnh báo, nguy cơ rất cao khiến sản xuất của chúng ta sẽ không còn thị trường trong nước. Các hàng hoá giá rẻ sẽ triệt tiêu nền sản xuất trong nước, ảnh hưởng lớn đến các hãng kinh doanh, cửa hàng nội địa.
Do đó, phải hành động ngay để kiểm soát đối với loại hàng hóa này và đầu tiên là kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ.