Kết thúc phiên chiều 9/5, giá vàng SJC bán ra đã rớt mốc kỷ lục 90 triệu đồng/lượng nhưng vẫn bán ra ở mức rất cao từ 89,30 – 89,50 triệu đồng/lượng, tùy thương hiệu. Nếu so với 10 giờ sáng 9/5, giá vàng bật tăng 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bất chấp mọi động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bằng cách tổ chức đấu thầu vàng nhằm tăng lượng cung. Thế nhưng đến nay, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới vẫn cao, không phản ánh đúng quy luật thị trường.
Theo đó vào cuối giờ chiều 9/5, giá vàng SJC giao dịch là 87,20 – 89,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 800.000 đồng/lượng ở 2 chiều mua vào và bán ra so với sáng cùng ngày là 800.000 đồng/lượng.
Tại hệ thống Doji Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng SJC bán ra là 88,30 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với đầu phiên sáng 9/5.
Giá vàng SJC mua vào – bán ra ở Bảo Tín Minh Châu là 87,20 – 89,30 triệu đồng/lượng, tăng 850.000 đồng/lượng bán ra so với 10 giờ sáng 9/5.
Trong khi đó, giá nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long cuối phiên chiều 9/5 tăng 140.000 đồng/lượng so với trưa 9/5, giao dịch ở mức 74,02 - 75,52 triệu đồng/lượng. Còn nhẫn tròn Phú Quý bán ra là 75,50 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng so với cuối phiên 8/5, giao dịch 73,90 – 75,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trước đó đầu giờ chiều 9/5, giá vàng SJC vẫn tăng mạnh lên 89,3 triệu đồng/lượng, thậm chí vượt mốc 90 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng trong nước biến động mạnh khiến chênh lệch nới rộng hơn 18 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Trong khi đó cùng thời điểm này, giá vàng thế giới chỉ quanh mốc 2.314 USD/ounce tương đương 71 triệu đồng/lượng.
"Nhiều thời điểm do quá tải, cửa hàng phải tạm ngưng đón khách vì khách xếp hàng kéo dài hết khu vực vỉa hè. Từ sáng 9/5, cửa hàng đã tạm dừng bán vàng miếng SJC và giới hạn cả lượng vàng nhẫn bán ra. Cụ thể mỗi người chỉ được mua 5 cây vàng nhẫn, cửa hàng sẽ trả trước 1 cây và hẹn 3 ngày sau khách hàng tới lấy nốt", nhân viên cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu cho biết.
Trong bối cảnh giá vàng trong nước đang “một mình một chợ”, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Khách hàng nên thận trọng đầu tư vì rủi ro rất lớn. Dư luận đang mong chờ NHNN cần sửa ngay Nghị định 24 xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, cho phép nhập khẩu vàng.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, việc đấu thầu vàng vừa qua không có hiệu quả giảm giá vàng, thậm chí còn kích hoạt tâm lý tăng giá. Trong khi đó, không ít ý kiến cho rằng, việc NHNN đưa ra mức giá tham chiếu rất cao, tương đương hoặc thậm chí cao hơn giá doanh nghiệp mua vào trên thị trường, như vậy là không phù hợp.
“Hệ quả giá vàng tăng khiến người dân không yên tâm gửi tiền tiết kiệm, người dân lại ôm tiền đi mua vàng, như vậy một lượng tiền lớn sẽ chảy vào vàng. Mà vàng tăng một cách vô lý, nghĩa là chả có gì làm nó tăng cả, ngoài việc độc quyền, không cho nhập khẩu về. Để giảm giá vàng, theo tôi không có cách nào khác, phải trả lại cho thị trường, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu”, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng: Giá vàng miếng SJC tăng liên tiếp những phiên gần đây là do vấn đề về nguồn cung và tâm lý. Nếu các phiên đấu thầu vàng không liên tục hoặc tiêu thụ được ít vàng thì nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm, khi đó giá vàng SJC có thể tiếp tục bị đẩy lên, thậm chí vượt 90 triệu đồng/lượng.
Để hạ nhiệt giá vàng, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: NHNN cần quyết liệt hơn và gia tăng các phiên đấu thầu vàng hơn. Đặc biệt, giá đấu thầu cần hợp lý hơn để các doanh nghiệp dễ xuống tiền mua vào.