Đề nghị hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho nông dân bị thiệt hại do mưa lũ

Sau khi rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh hiện có, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại với kinh phí dự kiến ,62 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Cây đổ chắn ngang đường tại đường Lý Thái Tổ, thành phố Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN

Theo đó, đối tượng hỗ trợ các đối tượng thiệt hại đã được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gồm 31,34 tỷ đồng. Trong số đó, tổng kinh phí hỗ trợ lĩnh vực trồng trọt dự kiến là 16,30 tỷ đồng; chăn nuôi 3,57 tỷ đồng; thủy sản 11,47 tỷ đồng. Giá trị hỗ trợ tính theo giá trị tối đa đối với từng loại diện tích, cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại.

Đối với các đối tượng chưa được quy định tại Nghị định số 02, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ 20 triệu đồng/ha với diện tích hoa, cây cảnh bị thiệt hại trên 70% và hỗ trợ 10 triệu đồng/ha với diện tích hoa, cây cảnh bị thiệt hại từ 30-70%. Cụ thể, đối với nhà màng, Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ với nhà màng bị sập, đổ hoàn toàn hỗ trợ 50 triệu đồng/1.000 m2; đối với nhà màng bị tốc mái, bung nilon hỗ trợ 10 triệu đồng/1.000 m2. Hỗ trợ 20 triệu đồng/1.000 m2 nhà lưới bị sập, đổ hoàn toàn và 5 triệu đồng/1.000 m2 với nhà lưới bị tốc mái, bung nilon.

Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, tỉnh Bắc Ninh cũng xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân có dự án vay vốn tín dụng tại các tổ chức cho vay vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước. Theo đó, đối với dự án vay tại Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ ngân sách nhà nước để hỗ trợ chi trả lãi suất vay đối với các dự án vay bị thiệt hại do bão số 3 trong khoảng thời gian 1 năm (12 tháng) tính từ tháng 9/2024 đến tháng 9/2025. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các hộ dự kiến là 4,369 tỷ đồng.

Đối với dự án vay vốn tại Ngân hành chính sách xã hội tỉnh, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội tỉnh số tiền là 50 tỷ đồng để tiếp tục cho vay đối tượng các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 khôi phục sản xuất. Với dự án vay vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh, sẽ tiếp tục rà soát, tập trung cho vay mới các đối tượng hợp tác xã bị thiệt hại do bão số 3 để sớm khôi phục sản xuất.

Sau bão, thiệt hại không tránh khỏi, nhưng với nhiều gia đình, đó là toàn bộ tài sản sản đã tích lũy trong nhiều năm. Bởi vậy, sự chung tay của các cấp chính quyền là động lực vực dậy tinh thần cho nông dân yên tâm sản xuất. Người dân kỳ vọng chính sách hỗ trợ sẽ sớm được thực hiện để người dân yên tâm sản xuất.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ước tính thiệt hại nông nghiệp hơn 900 tỷ đồng. Hiện địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ, động viên người dân tập trung khôi phục sản xuất.

Những ngày này tại khu đồng bãi thuộc xã Đào Viên, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh người dân đang tất bật thu dọn đồng ruộng trồng lại các loại rau, hoa màu, củ, quả theo khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Ông Phùng Đắc Hùng, thôn Thi, xã Đào Viên, một trong những hộ tích tụ ruộng đất trồng các loại củ, quả trên đất bãi lâu năm chia sẻ: Gia đình ông có 30 mẫu ruộng trồng dưa hấu, dưa lê, tất cả đều chuẩn bị đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, sau cơn bão kéo theo tình trạng mưa lũ, ngập úng kéo dài khiến toàn bộ số hoa màu đều hư hỏng hết. Chỉ tính riêng tiền thuê đất, công chăm sóc, giống, phân bón, gia đình ước tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn khiến gia đình gặp khó khăn để phục hồi sản xuất.

Những vụ trước, để kịp thời vụ, ông Hùng thường thuê thêm nhiều lao động nhưng nay kinh tế khó khăn, gia đình chỉ thuê lượng ít lao động, còn lại hai vợ chồng tranh thủ làm sớm tối để tiết giảm chi phí. Vụ đông này, ông sẽ trồng cà rốt, các loại cây hoa màu ngắn ngày như su hào, bắp cải, xà lách, mùi, thì là… để có thể lấy ngắn nuôi dài, giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Tương tự, ông Phùng Đắc Thiết ở xã Đào Viên có mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với thả cá. Trận bão vừa qua đã khiến hơn 5.000 gốc chuối và hơn 1 mẫu ao thả cá mất trắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đến vụ Đông này, ông sẽ không tiếp tục trồng chuối mà chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày, ra Tết sẽ trồng chuối lứa mới để bán đúng dịp Tết cổ truyền năm sau. Ông Thiết mong muốn cơ quan chức năng quan tâm và sớm có chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là hướng dẫn kỹ thuật xử lý đất đai, chăm sóc cây trồng sau bão.

Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tâm Phúc, thôn Huề Đông, xã Đại Lai, huyện Gia Bình có tổng diện tích 10.000 m2 nhà màng đều đã bị bão số 3 quật đổ và tốc mái; khoảng 30.000 cây dưa chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch bị đổ, giập, thối. Chị Trần Thu Huyền - thành viên hợp tác xã này chia sẻ đã được Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh hỗ trợ, hướng dẫn khôi phục sản xuất sau bão, lũ. Hiện hợp tác xã đã gia cố lại các nhà màng bị đổ, tốc mái; đồng thời vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ, cây hỏng nát, khử trùng và cải tạo đất bằng các biện pháp như cày sâu, rắc vôi bột, phân lân, phân chuồng hoặc các vật liệu hữu cơ đã hoai mục. Hợp tác xã mong sớm có chính sách hỗ trợ để dựng lại nhà màng, khôi phục sản xuất.

Còn với chị Trần Thị Mến, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá lồng ngoài sông nhưng vẫn không thể tránh được sức mạnh tàn phá từ thiên nhiên. Chị Mến cho biết, được cảnh báo thời tiết về cơn bão lớn nhưng do cá chưa đến thời kỳ thu hoạch, gia đình đã chủ động gia cố lồng nuôi. Tuy nhiên, khi bão ập về, 24 lồng cá, mỗi lồng ước 5 tấn cá, tổng giá trị đầu tư 10 tỷ đồng, bị thiệt hại nặng nề.

Nhà chị Mến có 2 lồng bị vỡ, những lồng còn lại sóng to cuốn theo cá ra ngoài; phần thì sau lũ dòng nước thay đổi khiến cá chết hàng loạt. Ước tính thiệt hại của gia đình lên tới 6 tỷ đồng. Đến nay, chị đã chủ động sửa chữa lồng cá, có kế hoạch bổ sung lượng cá mới. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là gia đình đang thiếu vốn tái sản xuất. Bởi vậy, chị rất mong các cấp chính quyền hỗ trợ giãn khoản nợ vay trước đó, tạo điều kiện cho gia đình vay vốn với lãi suất thấp để khôi phục sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà, ước tổng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Trong số đó, thiệt hại về nông nghiệp trên 917 tỷ đồng. Có trên 11.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây cảnh bị thiệt hại; hơn 300.000 m2 nhà màng, nhà lưới bị hư hỏng; hơn 107.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; thiệt hại hơn 4.400 tấn thủy sản…

Thanh Thương
Căn cứ hỗ trợ cho người dân khi bị thiệt hại do thiên tai 
Căn cứ hỗ trợ cho người dân khi bị thiệt hại do thiên tai 

Câu chuyện gỡ khó trong giao khu vực biển cho các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được nhân dân, chính quyền quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN