Bộ Tài chính nghiên cứu sửa phí trước bạ cho dòng xe chạy pin, xe điện và xe lai (Hybrid)
Theo ông Đào Công Quyết, thực hiện Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tham vấn Hiệp hội doanh nghiệp để có lộ trình áp dụng quy định tiêu thụ nhiên liệu, chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu phát triển ngành và mục tiêu giảm phát thải, Việt Nam cần có lộ trình phát triển phù hợp với điều kiện hiện nay cho dòng xe Hybrid tự sạc (HEV), xe Hybrid có hệ thống sạc điện riêng (PHEV) và xe chạy bằng pin nhiên liệu (FCEV).
Theo đó, cần có chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hóa nhằm khuyến khích người tiêu dùng và hướng tới mức giảm phát thải CO2; cần có lộ trình và giải pháp, chính sách thuế, phí, ưu đãi đầu tư phát triển trạm sạc.
“Cân nhắc thuế TTĐB sửa đổi, ưu đãi với dòng xe thân thiện với môi trường; đồng thời giữ mức thuế hiện tại đối với xe pick-up chở hàng cabin kép nhằm tạo nguồn lực trong quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, ngành phát triển công nghiệp phụ trợ cần chính sách hỗ trợ về đầu tư sản xuất, chẳng hạn khuôn và đồ gá; cần sửa đổi Nghị định 111 của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ ưu tiên theo hướng giải quyết vấn đề cụ thể của từng ngành hàng; hoặc sửa đổi Nghị định 26 của Chính phủ mở rộng cho các đối tượng là các nhà sản xuất linh kiện phục vụ cho ngành công nghiệp hỗ trợ được hưởng ưu đãi khi trực tiếp hoặc gián tiếp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ cho mục đích sản xuất, gia công linh kiện, phụ tùng ô tô”, ông Đào Công Quyết đề xuất.
Đại diện VAMA cho rằng: Việc giảm thuế suất thuế TTĐB cho HEV/PHEV phù hợp với xu hướng ngành ô tô và lộ trình chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong (ICE) sang xe thuần điện (BEV). Điều này phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh theo Quyết định số 876, thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị biến đổi khí hậu COP26 và COP28. Ưu đãi cho HEV/PHEV tuy có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong ngắn hạn nhưng mang lại các lợi ích khác về kinh tế, môi trường, ngành và xã hội tương đương.
Theo bà Trần Thị Bích Ngọc - Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí Bộ Tài chính, đối với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 đưa chương trình ưu đãi đối với cả ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Trong đó, với ngành ô tô, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ để cho sản xuất, lắp ráp ô tô cũng được miễn thuế nhiều.
Theo Bộ Tài chính, về chính sách thuế TTĐB, đối với ngành ô tô điện, mức thuế suất cũng đã giảm so với Luật Thuế TTĐB số 70/2014/QH13. Đối với loại xe chở người đến 9 chỗ áp dụng thuế suất 10% thay vì mức 15 % trước đây; xe chở người từ 10 - 16 chỗ hay 16 - 24 chỗ đều giảm 5% so với quy định trước đây.
“Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội ban hành Dự thảo Luật thuế TTĐB. Trong đó, thuế TTĐB đối với xe điện thấp hơn rất nhiều, khoảng 1 - 3%, từ ngày 1/3/2022 đến 1/3/2027; sau đó tăng lên 4 - 7%. Trong khi đó, đối với dòng xe chạy nguyên liệu hoá thạch, thuế TTĐB áp dụng 35 - 150%, tương đương đối với cả các mức mà cùng chủng loại’, bà Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do báo Đầu tư tổ chức mới đây.
Đối với thuế, lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và ban hành Nghị định số 15/2022, trong đó ưu đãi với mức lệ phí trước bạ ở mức cao đối với xe điện như miễn thuế lệ phí trước bạ 3 năm đầu với xe điện, 2 năm tiếp theo giảm 50 % cho xe điện. Trong khi đó, mức lệ phí trước bạ này đối với các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là 10 - 12 %.
Còn nhiều dư địa phát triển thị trường xe “xanh”
Theo ông Võ Minh Lực, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Ô tô BYD Việt Nam, BYD luôn hướng tới chiến lược giao thông xanh toàn diện, điều này được thể hiện rõ với sự góp mặt tại hơn 10 lĩnh vực giao thông khác nhau. BYD có thể chuyển đổi tất cả phương tiện sử dụng xăng hay dầu diesel truyền thống thành xe thuần điện.
Xe điện vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người dùng và cả các đơn vị trong hệ thống phân phối. Năm 2024, BYD sẽ ưu tiên phát triển mạng lưới đại lý. “Tháng 10 và tháng 11/2024, BYD sẽ tiếp tục giới thiệu 3 mẫu xe điện mới tại Việt Nam; đồng thời nỗ lực làm việc với các đối tác để phát triển hệ thống trạm sạc, chia sẻ và cùng định hướng trong việc xây dựng mạng lưới trạm sạc điện trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy nhanh chóng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho xe điện”, ông Võ Minh Lực cho biết.
Theo BYD Việt Nam, về đầu tư trạm sạc, BYD đang gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến quỹ đất và các vấn đề pháp lý khác. Đối với xe điện, hầu hết các thương hiệu đều ưu tiên phục vụ tại các thành phố lớn trước nhưng quỹ đất tại những khu vực này hiện nay rất hạn chế.
“Việc lắp đặt trạm sạc tại các chung cư gần như không khả thi. Chúng tôi đề xuất nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để giúp cư dân chung cư có thể tiếp cận trạm sạc dễ dàng hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, thủ tục và quy trình liên quan đến đầu tư trạm sạc vẫn chưa rõ ràng và còn phức tạp. Hiện, các quy định về trạm sạc vẫn chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Ví dụ, các vấn đề về phòng cháy chữa cháy hay kết nối điện thường rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian từ phía nhà đầu tư”, ông Võ Minh Lực băn khoăn.
Theo BYD Việt Nam, nếu chính quyền địa phương có thể hỗ trợ bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, quy trình rõ ràng, từ bước đầu tiên đến các giấy tờ cần thiết, và cung cấp hướng dẫn cụ thể hơn về đầu tư trạm sạc, quá trình này sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều. Đặc biệt, nếu có thể giải quyết được các vấn đề về phòng cháy chữa cháy và kết nối điện một cách dễ dàng, BYD kỳ vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia và việc phát triển trạm sạc sẽ diễn ra nhanh chóng.
Theo ông Võ Minh Lực, tiềm năng của thị trường xe “xanh” tại Việt Nam còn rất lớn. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, đa số dân số trẻ, Việt Nam có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào. Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu ô tô ở Việt Nam hiện còn rất thấp so với các nước láng giềng như: Thái Lan hay Indonesia. Trong khi đó, lượng xe gắn máy đang lưu thông hàng năm rất lớn, ước tính khoảng 3 triệu xe. Hầu hết người đi xe máy đều mong muốn chuyển sang sử dụng ô tô.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường ô tô ít hoặc không phát thải (ô tô ‘xanh’) đang đứng trước cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, Việt Nam còn có cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện - một sự lựa chọn tất yếu của tương lai nếu có những hành động quyết liệt, cụ thể và kịp thời.
Đề cập về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Phan Đức Hiếu cho rằng: Ban Soạn thảo của Bộ Công thương phải có tư duy tổng thể về xây dựng chính sách, đáp ứng một số yêu cầu như: Chính sách phải rất rõ ràng về mục tiêu và nội dung khuyến khích là gì?; đồng thời, chính sách phải dài hạn, ổn định, mang tính cam kết là không có những chính sách kém thuận lợi hơn trong tương lai.
“Việt Nam cần có sự toàn diện và đồng thời của các chính sách phát triển những dòng xe trên. Ví dụ, ưu đãi nhiều cho đầu tư, sản xuất, nhưng doanh nghiệp chưa thấy trạm sạc thế nào, giá điện ra sao?”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.