Theo GS TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, người Việt thường có tâm lý phòng ngừa rủi ro, phòng cho tương lai nên có tâm lý tích trữ cao. Do vậy, việc người dân có nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng, không chỉ để “trang sức” mà thực sự là tích trữ, có tài sản phòng thân. Đó là yêu cầu chính đáng.
“Nếu chúng ta không cho phát triển thị trường vàng miếng, giữ độc quyền chỉ có vàng miếng SJC, cung ít, cầu nhiều, đương nhiên giá tăng, dẫn đến tâm lý người dân có lúc lo sợ, lại lao đi mua vàng và giá vàng lại bị đẩy giá lên. Chúng ta phải mở cửa, phải làm sao tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh, không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra nguồn cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh. Càng có cạnh tranh về cung, càng có lợi cho người mua, giá sẽ ngang bằng, không còn chuyện giá tăng phi lý. Nếu chúng ta chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, người dân mua về cất tủ, két ở nhà, chỉ an toàn cho người có tiền, nhưng có sinh lợi hay không và đồng tiền đó có được đưa vào lưu thông không là vấn đề”, GS TS Hoàng Văn Cường băn khoăn.
GS TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Việt Nam có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Người dân không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không?… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế. Vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
“Chúng ta điều hành về mặt Nhà nước, quản lý thị trường, chúng ta bảo đảm quản lý được ngoại tệ. Thêm nữa, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt”, GS TS Hoàng Văn Cường cho biết.
Một số ý kiến cho rằng: Một điểm quan trọng nữa, rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới, nếu Việt Nam có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn, việc liên thông sẽ dễ dàng, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
TS Trần Thọ Đạt – chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Nếu theo dõi sự biến động của giá vàng trong thời gian qua, chúng ta thấy tính chất trú ẩn của vàng cao, chứ tính chất sinh lợi không cao lắm. Diễn biến giá vàng trong một năm qua cho thấy, biến động của giá vàng chỉ khoảng 5 - 6%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất và thậm chí thấp hơn nhiều so với mức lãi suất trên thị trường Mỹ hiện nay”.
Tính trong 5 năm qua, giá vàng biến động trong khoảng 40 - 50%, chưa kể đồng USD mất giá. Một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 tấn, cũng có số liệu 400 - 500 tấn, đây là số liệu ước chừng nhưng là con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng. Về mặt khuyến nghị, tôi cho rằng, thời gian tới, cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng... do sở giao dịch đó ban hành”, TS Trần Thọ Đạt cho biết.
Ngoài ra, TS Trần Thọ Đạt cũng đề xuất: Cần thành lập Quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế và chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.
Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý và khi giá vàng xảy ra hiện tượng sút giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.