Trao đổi với phóng viên TTXVN vào chiều 25/9, người phát ngôn của Bộ Giao thông vận tải, Chánh Văn phòng Uông Việt Dũng cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của dự án và phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam, đề án đề xuất huy động tối đa nguồn nhân lực trong nước kết hợp thuê tư vấn, nhà thầu nước ngoài tham gia thiết kế, thi công, quản lý, giám sát thực hiện dự án.
Hiện Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu kinh nghiệm của 22 quốc gia, vùng lãnh thổ đang khai thác, 6 quốc gia đang xây dựng, các nghiên cứu của quốc tế, tổ chức đoàn công tác khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển, các ý kiến thảo luận từ năm 2010 đến nay và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ các bài học kinh nghiệm cho thấy, các nước có đặc điểm địa kinh tế trải dài như Việt Nam, trường hợp trên cùng một hành lang có đường biển, đường thủy song song với đường sắt, vận chuyển hàng hóa bằng đường biển kết hợp đường thủy là tối ưu nhất.
Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải hành khách là chủ yếu, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết; xu hướng lựa chọn tốc độ ngày càng cao; cần có chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp đường sắt; phát triển công nghiệp đường sắt phụ thuộc vào quy mô thị trường và trình độ các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ông Uông Việt Dũng cũng cho biết thêm, dự kiến đầu tháng 10, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm việc với Ban Tuyên giáo, sau đó mới chốt kế hoạch truyền thông về dự án.
Về công nghiệp đường sắt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho hay, khi được đặt hàng, mảng cơ khí công nghiệp của ngành đường sắt hiện nay có thể làm chủ, từng bước nắm bắt công nghệ và đáp ứng được yêu cầu phát triển. Như công nghệ đầu máy toa xe mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nghiên cứu, việc chuyển giao công nghệ sẽ dễ dàng nắm bắt hơn.
Sáng cùng ngày 25/9, tại cuộc họp của Chính phủ nghe báo cáo tình hình triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp với một số doanh nghiệp... xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn.
“Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nói riêng, đường sắt Việt Nam nói chung để tạo cú hích cho ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa... và các ngành công nghiệp khác để phục vụ quốc kế, dân sinh”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Việc hình thành tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam trong tương lai đặt ra vấn đề cần nội địa hóa và làm chủ công nghệ càng nhiều càng tốt, lúc này, những hạng mục như đường ray, loại tàu và công nghệ sẽ tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ tham gia vào sân chơi này.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long khẳng định, Tập đoàn Hoà Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ; tổng chiều dài 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa; với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.
Về phạm vi, quy mô đầu tư, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray, công nghệ theo hướng mở để có thể tích hợp khai thác nhiều loại tàu, bảo đảm nhiều đơn vị có thể cung cấp phương tiện, tránh độc quyền.
Theo nghiên cứu của Bộ Giao thông vận tải, công nghệ chạy trên ray là 1 trong 3 loại hình công nghệ trong xây dựng đường sắt tốc độ cao. Với công nghệ chạy trên ray, tốc độ khoảng 250 - 350 km/giờ, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các quốc gia trên thế giới lựa chọn.
Liên quan đến việc lựa chọn tốc độ thiết kế, Bộ Giao thông vận tải làm rõ, tốc độ thiết kế 250 km giờ mới chỉ qua ngưỡng tốc độ cao, đã phát triển cách đây khoảng 50 năm, chưa thực sự hiện đại và phù hợp với xu hướng của thế giới. Việc khai thác sẽ không hiệu quả trên hành lang vận tải dài trên 800 km, tập trung nhiều đô thị lớn với mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của Việt Nam. Khi cần nâng cấp lên tốc độ thiết kế 350 km/giờ sẽ không tận dụng được kết cấu hạ tầng, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tốc độ 350 km/giờ có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/giờ; chi phí đầu tư tốc độ 350 km/giờ cao hơn tốc độ 250 km/giờ khoảng 8 - 9%.
Về lộ trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024. Trong năm 2025 - 2026, đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cuối năm 2027, triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh. Sau đó, khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.