Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX năm 2024 có thông điệp "cùng lắng nghe, cùng chia sẻ" tập trung thảo luận một số nội dung chính: Việc tái thiết và phục hồi sản xuất sau thiên tai do cơn bão Yagi và lũ lụt vừa qua, trong đó nổi lên các vấn đề lớn như hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; đặc biệt là cần tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ và cho vay nguồn vốn mới đối với những hộ dân bị thiệt hại trực tiếp từ bão lũ vừa qua, giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó là các vấn đề về cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải hướng tới mục tiêu Netzero, vấn đề về quy hoạch sản xuất.
Nhiều nông dân cũng quan tâm đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên nông dân, trong đó có các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thông qua các hoạt động của Hội Nông dân các cấp, về tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức, sinh hoạt của hội viên nông dân như thành lập các câu lạc bộ nông dân, phát huy hiệu quả, vai trò hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp làm cơ sở, nền tảng để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; vấn đề về hỗ trợ, xây dựng thương hiệu nông sản, quảng bá nông sản trên các nền tảng số.
Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Vũ Mạnh Hùng, Trưởng ban công tác kết nối Tiểu ban Nông nghiệp, Thủy sản (EuroCham), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất tại Việt Nam hiện nay, có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành nông nghiệp của chúng ta còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, về cơ bản vẫn còn là nền nông nghiệp quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chậm phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Nhiều chính sách thu hút nguồn lực vào nông nghiệp không phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khó khăn liên tục xảy ra trong năm 2024 khi phải đối mặt với thời tiết bất thường, căng thẳng địa chính trị toàn cầu, cho tới suy thoái kinh tế… Tất cả đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nông nghiệp.
Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thị Thành Thực – Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Bagico (Bắc Giang) cho biết rất mong muốn mỗi Bộ ngành hợp tác với nhau cần có diễn đàn online hàng tháng để cho nhiều nông dân có thể gửi các thắc mắc, mong muốn của mình đến đúng nơi, đúng chỗ. Đồng thời cũng là cơ hội để nông dân và doanh nghiệp gặp và hiểu nhau hơn. Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, một trong những sản phẩm chất lượng hàng đầu của Việt Nam là cà phê nhưng hiện nay đặc sản này chỉ trực thuộc Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột. Nếu thành lập thành hiệp hội cà phê đặc sản thì cơ hội đưa ngành cà phê vươn xa ra thế giới, tăng vị thế và giá trị cho ngành cà phê Việt Nam.
Trả lời đại biểu, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho rằng, việc tổ chức thêm diễn đàn là điều rất tốt. Hội Nông dân đang nghiên cứu để có thể tổ chức thêm các diễn đàn giữa nông dân và doanh nghiệp, qua đó giúp thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và nông dân đạt hiệu quả cao hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ủng hộ việc tổ chức nhiều diễn đàn và cho rằng, hiện bên cạnh các diễn đàn trực tiếp cũng có các diễn đàn online, diễn đàn qua các mạng xã hội như facebook, zalo rất hữu ích giúp bà con thường xuyên kết nối với các cấp chính quyền, chuyên gia, nhà khoa học, nông nghiệp để trao đổi công việc và cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Về đề xuất hữu ích liên quan đến thương hiệu cà phê, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận và cho biết, thời gian tới khi đi công tác châu Âu tôi thường mang theo cà phê, trà của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng phân tích, thứ gì mình thấy ngon chưa chắc người dân ở các nước đã thấy ngon do khẩu vị khác nhau. Đó là lý do vì sao mình phải xuất khẩu thô, còn họ sơ chế lại cho phù hợp với khẩu vị của họ.
“Nông sản không đơn thuần là nông sản mà phải tích hợp nó thành thực phẩm, dược phẩm… khi nó mang đa giá trị thì chắc chắn giá bán của nó sẽ được nâng cao", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.