Tỉnh Hậu Giang đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trong một năm qua với hai mô hình cấp tỉnh và ba mô hình cấp huyện. Từ thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cần sớm được giải quyết để mô hình thực sự trở thành cách thức sản xuất nông nghiệp thu hút nông dân.
Theo đại diện Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang, vì chưa có lò sấy, nhà máy sấy nên công ty thuê hợp tác xã thu mua lúa của người dân, sấy khô, xay xát rồi vận chuyển đến địa điểm cho công ty. Giá vận chuyển là 200 đồng/kg, hợp tác xã sẽ có thêm lợi nhuận từ những khoản thu này. Vì giá lúa vào mùa thu hoạch có sự biến động lớn nên công ty công bố giá trước thu hoạch một ngày và giữ giá ổn định trong vòng một tuần.
Ông Lê Văn Tẩm, đại diện Công ty Bảo vệ thực vật An Giang - một trong những đơn vị ký hợp đồng bao tiêu đối với nông dân thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang cho biết: Công ty không trả tiền trực tiếp cho người dân ngay khi mua lúa mà trả 1 - 2 ngày sau khi nhận lúa bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho người dân.
Nhờ triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất lúa thu đông tại xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy (Hậu Giang ) đạt 7 - 8 tấn/ha. Duy Khương – TTXVN |
Tuy nhiên, các hợp tác xã và nông dân thực hiện cánh đồng mẫu lớn lại không đồng ý với cách làm trên của các doanh nghiệp bao tiêu. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Trường Thọ, ông Lê Văn Hiệp cho rằng: Công ty ra giá chỉ một ngày trước khi thu hoạch trong khi thương lái ra giá, đặt cọc trước 10 ngày và thu mua lúa tươi ngay tại ruộng. Hợp tác xã không đủ lò sấy và phương tiện vận chuyển với số lượng lớn lúa thu mua, giá vận chuyển cũng quá thấp. Người trồng lúa có nhiều khoản cần chi trả ngay khi thu hoạch như giống, phân bón, thuốc trừ sâu trong khi công ty lại trả tiền sau khi thu mua qua tài khoản ngân hàng, nhiều nông dân chưa có tài khoản ngân hàng.
Khi thực hiện cánh đồng mẫu lớn, người dân tập trung vào các giống lúa chất lượng cao như Jasmine, OM 4900 nhưng khi thu hoạch thì các giống lúa này lại khó bán và bán chậm hơn so với các giống lúa thường. Nông dân được bao tiêu nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng khi nhận giống thì thấy loại giống không vừa ý, lại có quá nhiều hạt lép. Vài công ty bao tiêu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đưa ra điều kiện người dân phải sử dụng một bộ gồm bảy loại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và có diện tích ruộng trên một ha. Thế nhưng phần lớn người dân có diện tích ruộng nhỏ lẻ và chỉ cần sử dụng 2 - 3 loại thuốc một mùa vụ.
Lúa thu hoạch ở xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy - Hậu Giang) được thương lái tổ chức thu mua ngay tại ruộng để vận chuyển đi chế biến. Duy Khương – TTXVN |
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty cổ phần lương thực Hậu Giang cho rằng, người dân có thói quen trồng lúa theo kinh nghiệm và ý thích, ít khi trồng theo giống công ty đặt hàng nên sau vụ đông xuân 2012-2013, công ty không ký được hợp đồng bao tiêu vụ hè thu 2013. Công ty phải vay tiền ngân hàng để đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho người dân trong vòng bốn tháng không tính lãi nhưng khoảng sáu tháng sau công ty mới thu hồi vốn được. Nếu mở rộng diện tích bao tiêu thì công ty phải vay ngân hàng số tiền lớn trong khi thu hồi chậm nên rất khó cho công ty trong việc trả lãi ngân hàng.
Ông Nguyễn Thành Nhơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định: Tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho cánh đồng mẫu lớn. Việc bao tiêu cung ứng vật tư về giống, phân bón, thuốc trừ sâu và bao tiêu lúa cho người dân của các doanh nghiệp tạo tiền đề cho sự gắn kết lâu dài giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua các hợp tác xã. Việc triển khai cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang vừa qua bị động ở nhiều bước, nhiều khâu và có những vấn đề chưa thống nhất giữa người dân và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ sớm tìm ra những khó khăn trong việc thực hiện nhằm giải quyết triệt để và tìm hướng đi cụ thể, rõ ràng hơn để tiếp tục triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong vụ lúa thu đông và đông xuân sắp tới.
Nguyễn Xuân Dự