Đồn đoán Mỹ có thể bổ sung Kho dự trữ chiến lược đẩy giá dầu tăng cao

Giá dầu đi lên trong chiều 2/5, phục hồi sau ba ngày giảm trước đó nhờ kỳ vọng giá thấp hơn có thể thúc đẩy Mỹ bắt đầu mua vào để bổ sung Kho dự trữ chiến lược.

Chú thích ảnh
Bể chứa dầu tại kho dự trữ dầu thô ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu dứt chuỗi ba phiên giảm liên tiếp

Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 58 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 84,02 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6/2024 cũng tăng 0,7% (53 xu Mỹ) lên 79,53 USD/thùng.

Giới chuyên gia cho hay thị trường dầu phiên này được hỗ trợ bởi suy đoán rằng nếu giá WTI giảm xuống dưới 79 USD/thùng, Mỹ sẽ tiến hành mua vào để lấp đầy kho dự trữ chiến lược của mình.

Mỹ cho biết họ đặt mục tiêu bổ sung Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) sau đợt mở bán lịch sử khẩn cấp vào năm 2022. Nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới muốn mua vào ở mức 79 USD/thùng hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên, dầu thô vẫn bị áp lực bởi sự gia tăng bất ngờ trong dự trữ dầu thô của Mỹ. Ngoài ra, các dấu hiệu về lệnh ngừng bắn tiềm năng giữa Israel và lực lượng Hamas đang làm giảm bớt lo ngại về triển vọng nguồn cung ở Trung Đông.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ của nước này đã tăng 7,3 triệu thùng lên 460,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/4. Điều này trái ngược so với kỳ vọng giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. EIA cho biết lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2023.

Tuy nhiên, việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) tiếp tục cắt giảm nguồn cung sẽ hỗ trợ giá.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Citi Research kỳ vọng OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng trong nửa cuối năm 2024 khi nhóm họp vào ngày 1/6 tới.

Tuy nhiên, nếu giá tăng lên trên mức 90-100 USD/thùng, OPEC+ có thể sẽ hạn chế kế hoạch cắt giảm, cung cấp mức trần “mềm” cho giá dầu.

Giá vàng tiếp tục tăng sau cuộc họp của Fed

Giá vàng châu Á tăng phiên thứ hai liên tiếp vào ngày 2/5, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cơ bản ổn định như mong đợi và cho biết vẫn đang nghiêng về việc thực hiện cắt giảm lãi suất.

Theo đó, giá vàng tăng 0,3% lên 2.325,02 USD/ounce sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 1% lên 2.334,40 USD/ounce.

Phiên này, yếu tố chính thúc đẩy giá vàng là các tín hiệu về xu hướng cắt giảm lãi suất tiềm năng của Fed cũng những dự đoán xung quanh báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ (sẽ được công bố ngày 3/5 theo giờ địa phương).

Sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nêu rõ lập trường thận trọng của ngân hàng trung ương này. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào các chỉ số kinh tế.

Ông Matt Simpson, nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn tài chính City Index, lưu ý rằng cam kết của Fed về việc kiềm chế tăng lãi suất thêm đã tạo động lực cho vàng tăng lên trên ngưỡng 2.300 USD/ounce.

Quỹ đạo của giá vàng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sắp tới của Mỹ,.

Các nhà phân tích dự đoán rằng một báo cáo yếu hơn dự kiến có thể hỗ trợ thêm cho giá vàng, củng cố vị thế của nó trên ngưỡng 2.000 USD/ounce trong thời gian còn lại của năm 2024. Thậm chí, vàng còn có khả năng vượt mốc 2.500 USD/ounce.

Tại Việt Nam, cuối ngày 2/5, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 82,90-85,10 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Các thị trường chứng khoán ở châu Á tăng giảm ngược chiều trong phiên 2/5, khi các nhà đầu tư quay trở lại sau kỳ nghỉ giữa tuần.

Tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong đi lên khi nhà đầu tư kéo dài đợt phục hồi gần đây của thị trường này sang ngày thứ tám liên tiếp. Đợt tăng được thúc đẩy nhờ giá cổ phiếu của các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc bao gồm Meituan và JD.com tăng đột biến.

Chỉ số Hang Seng phiên này tăng 2,50% - tương đương 444,10 điểm lên khép phiên ở mức 18.207,13 điểm.

Thị trường Trung Quốc đại lục đóng cửa nghỉ lễ

Các thị trường Sydney, Wellington, Mumbai và Bangkok cũng trong vùng tăng. Tuy nhiên, các thị trường Seoul, Singapore, Taipei, Manila và Jakarta lại giảm.

Chứng khoán Nhật Bản cũng đóng cửa giảm điểm do tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư, với việc đồng yen tăng vọt làm dấy lên đồn đoán về sự can thiệp thị trường của chính phủ nước này lần thứ hai trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,10% hay 37,98 điểm và khép phiên ở mức .236,07 điểm.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/5, chỉ số VN - Index tăng 6,84 điểm (0,57%) lên 1.216,36 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 0,67 điểm (0,30%) lên 227,49 điểm.

Hương Thủy  (TTXVN)
Chứng khoán Mỹ phản ứng trái chiều sau động thái của Fed
Chứng khoán Mỹ phản ứng trái chiều sau động thái của Fed

Chốt phiên giao dịch ngày 1/5, chứng khoán Mỹ phản ứng trái chiều sau tuyên bố của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed, ngân hàng trung ương), ông Jerome Powell, cho biết ít có khả năng Fed tăng lãi suất trong bước đi tiếp theo. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN