Mới đây, trong ngày 4/11, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng cũng đã rà soát, đánh giá, xếp hạng; qua đó, tiến hành chấm điểm, phân hạng 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 (của huyện Trần Đề) và phân hạng 4 sao đối với các sản phẩm: bắp non đóng hộp, hạt sen đường phèn, dứa đóng hộp, nấm rơm đóng hộp, bánh pía sầu riêng trứng Hải Sơn (của huyện Châu Thành); các sản phẩm yến sào chưng sẵn hương lá dứa, yến sào trưng sẵn vị Đông trùng hạ thảo, yến sào Quốc Tín, yến cao cấp ăn liền (của thị xã Vĩnh Châu). Ngoài ra, còn có 1 sản phẩm được đề nghị chuyển về địa phương để chấm điểm, phân hạng sản phẩm 3 sao.
Tính từ khi triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2018 đến nay, Sóc Trăng đã có 2 sản phẩm đạt sao OCOP; trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 219 sản phẩm đạt 3 sao của 135 chủ thể là công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Số lượng sản phẩm OCOP đến thời điểm hiện tại đã đạt và vượt 118% so với kế hoạch thực hiện Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Sóc Trăng đề ra.
Một trong những sản phẩm đặc sản địa phương là bánh Pía Sóc Trăng của các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh đã đạt xếp hạng 3, 4 sao và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm sau khi đã đạt sao OCOP. Có doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm có chất lượng đạt chuẩn OCOP như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn bánh pía, lạp xưởng Hải Sơn, ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) có 8 sản phẩm bánh pía các loại đạt sao OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao OCOP và 1 sản phẩm đạt 3 sao OCOP.
Theo lãnh đạo công ty Hải Sơn, để giữ hương vị truyền thống của bánh pía, ngoài việc sử dụng nguyên liệu làm bánh an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp đã đổi mới, đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất, nhờ vậy, lượng bánh pía cung ứng ra thị trường trong nước nhiều hơn trước từ 5 - 10%. Nhiều cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP của tỉnh Sóc Trăng cũng đã quan tâm nâng cấp sản phẩm OCOP từ chất lượng đến hình thức sản phẩm, nhằm đáp ứng đa dạng các thị trường trong và ngoài nước, phấn đầu nâng cấp hạng sao cho các sản phẩm đã được xếp hạng.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, để tiếp tục nâng cao giá trị các sản phẩm mặt hàng của địa phương, thời gian tới, các chủ OCOP, Công ty, doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm, rà soát vùng nguyên liệu; đầu tư cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng khả nâng cạnh tranh với các sản phẩm có cùng chủng loại trên thị trường. Đối với các cấp ngành quản lý, cần khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hoá các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương tham gia Chương trình OCOP; quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm kết nối, tiêu thụ, nâng cao doanh thu cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, đồng thời quảng bá sâu rộng sản phẩm OCOP của tỉnh đến nhiều tỉnh, thành trong nước và tiêu thụ xuất khẩu ra nước ngoài…