Bài học kinh nghiệm
Là hoạt động tín dụng có tính đặc thù, đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đòi hỏi thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đó là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả tín dụng chính sách xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn” và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị 40 thì tại địa phương đó đạt kết quả rất tích cực.
Ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích, thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW chính là làm tốt công tác dân vận tại cở sở nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhận thức đúng đắn mục tiêu, phương pháp thực hiện sẽ là cơ hội để tận dụng hiệu quả tín dụng chính sách trong đầu tư cho người nghèo thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngược lại, nhận thức chưa đầy đủ sẽ tạo áp lực về nguồn lực cho địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn.
“Kinh nghiệm cho thấy, việc nhận thức đầy đủ và tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách làm hay cũng như các bài học thất bại trong các địa phương sẽ giúp tín dụng chính sách xã hội thực sự là một nguồn lực quan trọng cùng với các nguồn lực khác góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân”, ông Triệu Tài Vinh nói.
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh những thành tựu đạt được, giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm giãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Nguy cơ tái nghèo luôn rình rập bởi thiên tai, lũ lụt. Trong khi nguồn vốn ngân sách Trung ương dành cho giảm nghèo đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên nhưng còn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định, nguồn lực cho các chương trình tín dụng ưu đãi còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn bổ sung cho các chương trình tín dụng chính sách tại một số thời điểm chưa kịp thời, ảnh hưởng đến việc triển khai cho vay.
Trên thực tế, có rất nhiều chương trình tín dụng chính sách có hiệu quả và rất cần thiết đối với người dân nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Cụ thể, trong đợt mưa lũ miền Trung đang diễn ra, những ngôi nhà tránh lũ được xây theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (Quyết định 48) của Chính phủ hỗ trợ người nghèo ở 14 tỉnh miền Trung đã phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn những nút thắt khiến Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa thể đẩy nhanh việc hỗ trợ xây nhà phòng, tránh lũ cho nhiều người dân. Mức hỗ trợ của ngân sách và mức cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội 15 triệu đồng/căn nhà là quá thấp so với nhu cầu vốn cần thiết để hoàn thành một ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt.
Trong khi đó, khả năng huy động nguồn lực tự xây nhà ở của hộ nghèo còn hạn chế, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nên một bộ phận hộ nghèo không có nhu cầu làm nhà, dẫn đến kết quả thực hiện theo kế hoạch còn nhiều hạn chế. Thậm chí ở một số địa phương kể cả khi có thêm nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà tránh lũ do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ, người dân vẫn không mặn mà.
Chỉ thị 40 vẫn là điểm tựa quan trọng
Thực tế hiện nay, mưa lũ đang khiến cho nhiều gia đình ở khu vực miền Trung rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Nhiều gia đình đã “trắng tay” chỉ sau một đêm lũ về. Nguy cơ tái nghèo đang hiện hữu và vốn chính sách sẽ cần hơn bao giờ hết để cùng bà con làm lại từ đầu.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội; trong đó có những người yếu thế. Chính vì thế, việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn Chỉ thị 40 trong thời gian tới vẫn là điểm tựa quan trọng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định, tình hình dịch bệnh COVID-19, dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất kinh doanh của nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, các hộ dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng đặc biệt khó khăn.
“Trong bối cảnh đó, phải tập trung sức làm tốt hơn nữa công tác tín dụng chính sách xã hội để hỗ trợ ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn cho người nghèo, người yếu thế. Muốn vậy phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội”, đồng chí Trần Quốc Vượng nói.
Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm, hàng tháng của mình. Đồng thời, cần nhận thức sâu sắc, thực hiện thật tốt Chỉ thị 40, coi đó là một trong những giải pháp thiết thực hiệu quả để góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội các cấp.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ và hoạt động cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả nhất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị xã hội các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách. Đồng thời, cần mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, của doanh nghiệp, doanh nhân để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách.
Ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, qua sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cho thấy, hầu hết các địa phương đều có kiến nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 và tập trung vào các nhóm vấn đề như: mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi, thời gian thực hiện chính sách.
“Đối với người nghèo đây không chỉ là một dự án mà là một sự nghiệp lâu dài. Do vậy, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần nhận thức đầy đủ và có giải pháp tăng cường lãnh đạo một cách đồng bộ giữa công tác lãnh đạo và chỉ đạo điều hành, xuyên suốt từ trên đến cơ sở. Có như vậy thì tính sáng tạo và nhân văn mới thực sự là một giải pháp hiệu quả cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới”, ông Triệu Tài Vinh nói.