Một báo cáo gần đây của Global Trade Alert, một sáng kiến giám sát chính sách thương mại quốc tế, cho thấy hơn 20 nước đã thực hiện các biện pháp cấm hoặc hạn chế xuất khẩu thiết bị y tế và thuốc, cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn cầu vào thời điểm quan trọng này.
Ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết việc các nước áp đặt các hạn chế xuất khẩu là điều dễ hiểu. Nhưng những hành động này hầu như luôn phản tác dụng.
Theo ông Mattoo, nếu mọi nước áp đặt các hạn chế thì giá những mặt hàng bị kiểm soát trên toàn cầu sẽ tăng nhiều hơn mức bình thường. Cuối cùng, nó có thể trở thành một chính sách “gậy ông đập lưng ông”.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế của WB cho biết những biện pháp như vậy sẽ tác động rất lớn tới những nước phụ thuộc vào các nguồn cung cấp y tế rất cần thiết này. Đặc biệt là các nước nghèo như Lào và Myanmar, những nước nhập khẩu rất nhiều thuốc, máy thở và khẩu trang.
Quan điểm của ông Mattoo được nhiều chuyên gia khác chia sẻ, bao gồm ông Chad Bown, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE). Ông đã lập luận rằng các hạn chế xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) đối với một số sản phẩm y tế có thể làm tổn hại hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia đang phát triển ở Đông Âu và châu Phi cận Sahara. Những nước này đều dựa vào EU để nhập khẩu vật tư y tế.
Nhưng không chỉ các hạn chế mới mà còn những biện pháp kiểm soát hiện hành cũng khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại. Chuyên gia Bown đã lên tiếng rằng những biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump đối với các sản phẩm y tế Trung Quốc có thể góp phần gây ra tình trạng thiếu vật tư y tế, cũng như đẩy chi phí cho các thiết bị quan trọng lên cao hơn tại thời điểm nước này đang trải qua cuộc khủng hoảng sức khỏe trên quy mô toàn quốc.
Tuy vào ngày 10/3 và 17/3, chính quyền Tổng thống Trump đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan áp lên nhiều sản phẩm y tế nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Bown cũng lưu ý rằng Washington được cho là đang xem xét hạn chế các cơ quan liên bang mua vật tư và thiết bị y tế nước ngoài dựa trên đạo luật "Mua hàng Mỹ”. Thông tin này đã dẫn tới những lời chỉ trích gay gắt từ giới chuyên gia.
Ông Bown cho biết chủ nghĩa bảo hộ thương mại - cho dù là hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu hay áp dụng các quy định 'Mua hàng nội địa” đối với các giao dịch mua vật tư y tế của bệnh viện - sẽ bóp nghẹt các nguồn cung cấp thiết bị y tế, đẩy giá tăng cao và thậm chí khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong một tín hiệu tích cực hơn, các bộ trưởng thương mại của Australia, Brunei, Canada, Chile, Myanmar, New Zealand và Singapore gần đây đã tuyên bố rằng họ cam kết duy trì tính mở và sự kết nối của chuỗi cung ứng.
Chuyên gia Bown nói rằng trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh như hiện tại, thế giới cần thêm nhiều cam kết và hành động chính sách như vậy, đặc biệt là từ các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc.