Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất

Thị trường đấu giá đất ở Hà Nội những tháng gần đây rất sôi động với sự gia tăng đột biến về số lượng và giá trị.

Chú thích ảnh
Phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 39 thửa đất tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Từ đầu năm đến nay, tổng số tiền trúng đấu giá của các địa phương của Hà Nội đạt trên 11.000 tỷ đồng, trong khi cả năm 2023 đạt khoảng 9.200 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự chủ động và hiệu quả trong việc đấu giá đất để tăng thu ngân sách, tạo điều kiện cho phát triển hạ tầng cơ sở.

Đơn cử như quận Long Biên, đấu giá đất đạt 194,74% kế hoạch năm 2024, tương đương 5.242,54 tỷ đồng; huyện Mê Linh đạt 244% kế hoạch với 1.324,21 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên thu hơn 331 tỷ đồng, đạt 115,4% kế hoạch; huyện Quốc Oai đạt hơn 420 tỷ đồng (dự kiến, từ nay đến cuối năm, thu thêm 250 - 300 tỷ đồng, đưa tổng thu đấu giá đất năm 2024 lên khoảng 600 - 700 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao). Ngoài ra, các huyện: Gia Lâm, Chương Mỹ… cũng đạt hơn 50% kế hoạch. 

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội khẳng định, quy trình, thủ tục đấu giá đất của các địa phương tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, đặc biệt là bám sát tinh thần của Luật Đất đai, các thông tư hướng dẫn liên quan. Các phiên đấu giá đất được thực hiện đúng quy định, bảo đảm minh bạch. Đề cập đến hiện tượng giá đất bị đẩy cao quá mức và một số người trúng đấu giá bỏ cọc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cho biết, tình trạng này chỉ xảy ra ở một số lô đất cá biệt, không phản ánh toàn cảnh của thị trường đấu giá đất.

Tuy nhiên, để tránh việc cố tình bỏ giá cao bất thường so với mặt bằng chung của khu vực rồi bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường, thất thu ngân sách và khó khăn cho đơn vị tổ chức đấu giá, sở đã đưa ra một số biện pháp bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong đấu giá đất. Hiện, sở đang tích cực phối hợp với các quận, huyện để rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp giá thị trường; yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ hơn các phiên đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng "thổi" giá, thông đồng đấu giá, bỏ cọc. 

Hà Nội cũng đề xuất ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư thay vì cho cá nhân tự xây dựng nhà ở nhằm ngăn chặn tình trạng cá nhân lợi dụng đấu giá để đẩy lên cao rồi bỏ cọc hoặc sử dụng đất không đúng mục đích. Việc ưu tiên đấu giá đất cho các tổ chức có dự án đầu tư rõ ràng không chỉ kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng đất mà còn bảo đảm đất đai được sử dụng đúng quy hoạch; tạo những công trình có giá trị sử dụng thực tế, ngăn chặn tình trạng đất bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.

Theo kế hoạch, ngày 2/11, tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín tiếp tục đưa ra đấu giá 25 thửa đất có diện tích từ 122 - 213 m2; giá khởi điểm 3.864.000 đồng/m2; bước giá 3.500.000 đồng; số tiền đặt cọc mỗi thửa đất từ 123.600.000 đồng đến 164.700.000 đồng. Hình thức đấu giá theo phương thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng và tối thiểu qua 6 vòng đấu giá bắt buộc. 

Trước đó, ngày 21/10, cũng tại Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín đã tổ chức đấu giá thành công 19/40 thửa đất. 21 thửa đất không đấu giá thành công là do người tham gia đấu giá vi phạm quy chế. Với 199 khách hàng tham gia, đăng ký mua hơn 700 hồ sơ đấu giá.

Phiên đấu giá diễn ra khốc liệt kéo dài 16 tiếng với 15 vòng đấu mới xác định được giá trúng cao nhất 52.864.000 đồng; giá thấp nhất 24.4.000 đồng, trong khi giá khởi điểm 3.864.000 đồng/1m2. Với kết quả này, huyện Thường Tín dự kiến thu về cho ngân sách nhà nước gần 125 tỷ đồng. Tổng số tiền thu chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu thực của 19/40 thửa đất với 3.028,30m2 là hơn 112,6 tỷ đồng.

Dự kiến, ngày 16/11, sau gần hai tháng tạm dừng đấu giá theo chỉ đạo của thành phố, huyện Thanh Oai sẽ  tổ chức phiên đấu giá 25 lô đất tại xã Đỗ Động với giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/1m2. Diện tích các thửa đất từ gần 84 m2 - 143 m2, tiền cọc tương ứng từ 88 - 151 triệu đồng/lô. Với mỗi bước giá 5 triệu đồng/1m2, người tham gia đấu giá phải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc.

Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 13/11, huyện Quốc Oai phối hợp Công ty đấu giá Hợp danh số 5- Quốc gia tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá 20 thửa đất ở tại thôn Yên Quán, xã Tân Phú. Các lô đất sẽ đấu giá có ký hiệu từ LK3 đến LK4, diện tích từ 77,5 m2 đến 104,4 m2, giá khởi điểm từ 4,7 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá dự kiến tổ chức ngày 16/11. Hình thức đấu giá bằng cách bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng từng lô đất cho đến khi không còn ai tham gia trả giá.

Tiếp đó, ngày 22/11, cũng tại dự án đấu giá đất ở thôn thôn Yên Quán, xã Tân Phú, UBND huyện Quốc Oai sẽ tổ chức đấu giá 19 thửa đất ở tại lô đất có ký hiệu từ LK4 đến LK5; diện tích từ 73 m3 đến 114 m2 với giá khởi điểm 4,7 triệu đồng/m2.

Cũng từ nay đến ngày 8/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ và Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam tiếp nhận hồ sơ đấu giá 13 thửa đất ở tại 3 xã: Trạch Mỹ Lộc, Xuân Đình và Tích Giang. Cụ thể, 7 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) có giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2; 5 thửa đất thuộc khu Hương Nam (xã Xuân Đình) giá khởi điểm 25 triệu đồng/m2 và 1 thửa đất ở khu Cổng Chợ (xã Tích Giang) giá khởi điểm 16,5 triệu đồng/m2. Các thửa đất có diện tích thấp nhất 99 m2…

Để tiếp tục đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, UBND thành phố Hà Nội vừa giao gần 19.000 m2 đất tại thôn Hà Hương, xã Liên Hà cho huyện Đông Anh để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu cư. Toàn bộ diện tích này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu UBND huyện Đông Anh lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành và quy định hiện hành của thành phố, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Cũng theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh tập trung hướng dẫn người trúng đấu giá hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đăng ký quyền sử dụng đất, lập hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích xác định nêu trên; thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật…

Tại huyện Phú Xuyên, UBND thành phố Hà Nội cũng quyết định giao 11.859,3 m2 đất tại xã Phú Túc cho UBND huyện để thực hiện dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất ở. Cụ thể, UBND huyện Phú Xuyên quản lý, tổ chức đấu giá 6.488 m2 đất ở (gồm các lô đất ký hiệu DG-01, DG-02, DG-03, DG-04); diện tích còn lại 5.371,3 m2 là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật sẽ được xây dựng đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Theo đó, huyện Phú Xuyên liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để nhận bàn giao đất trên thực địa, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo dự án đầu tư được phê duyệt. Đồng thời, lập phương án đấu giá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Linh Khánh (TTXVN)
Đấu giá đất tại Hà Nội vẫn tiếp tục 'nóng' với mức tăng hàng chục lần
Đấu giá đất tại Hà Nội vẫn tiếp tục 'nóng' với mức tăng hàng chục lần

Tiếp tục sức "nóng" của các phiên đấu giá đất ở một số huyện ven đô gần đây, đến sáng 22/10, sau 16 giờ đấu giá khốc liệt, phiên đấu giá 40 thửa đất ở thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội mới đấu giá thành công 19 thửa đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN