Hình hài cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 sau 9 tháng thi công

Khởi công đồng loạt từ ngày 1/1/2023, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 sau hơn 9 tháng thi công đã đạt giá trị hoàn thành hơn 9.300 tỷ đồng, đạt gần 10% giá trị các hợp đồng, cơ bản bám sát kế hoạch đề ra.

Giải ngân gần 26.800 tỷ đồng

Đến cuối tháng 9/2023, các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 đã giải ngân được gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao. 

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, một số dự án có kết quả giải ngân chưa được như kế hoạch đăng ký như: Dự án cao tốc thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi (đạt 84%); đoạn Chí Thạnh - Vân Phong của Ban Quản lý dự án 7 (đạt 83%); đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban Quản lý dự án 2 (đạt 84%); đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh của Ban Quản lý dự án 85 (đạt 85%).

Chú thích ảnh
Mặt bằng sạch chưa có đang cản trở tiến độ thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong.

Nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân của các dự án là do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa đạt được như kỳ vọng. Đến nay, các địa phương đã bàn giao được hơn 90% mặt bằng cho các dự án. Bên cạnh đó, các yếu tố thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu thi công của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu... cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung.

Chú thích ảnh
Đường dẫn hầm Tuy An trên cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong đang vướng mặt bằng. 

Đại diện các Ban Quản lý dự án giao thông (đại diện chủ đầu tư) phản ánh, kết quả giải ngân chưa đạt được theo kế hoạch do phải chờ cấp phép mỏ vật liệu. Dự kiến, trong tháng 10/2023, việc khai thác các mỏ vật liệu sẽ được khơi thông, để tạo đà cho các dự án tăng tốc bù tiến độ.

Mặc dù khó khăn liên quan đến công tác GPMB, cấp mỏ vật liệu... chưa được giải quyết dứt điểm, song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang nỗ lực tận dụng nguồn lực, công địa đã được bàn giao để tăng tốc các hạng mục chính, luỹ tiến sản lượng, nhất là đối với các dự án tại các tỉnh phía Nam trước mùa mưa bão.

Chú thích ảnh
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang cũng đang vướng mặt bằng thi công.

Theo thống kê, đơn cử tại gói thầu XL01 cao tốc thành phần Bùng - Vạn Ninh do Tổng công ty 36 thi công, nếu trong 3 - 4 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng, sản lượng thi công của doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 8 tỷ đồng, từ tháng 8 - 9/2023, giá trị xây lắp đã tăng lên 20 tỷ đồng/tháng. Gói thầu cao tốc thành phần Vũng Áng - Bùng do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành thi công, nếu 2 - 3 tháng đầu chỉ đạt sản lượng xây lắp trung bình 1% giá trị hợp đồng, hiện nay đã tăng lên 2 - 3%...

Tương tự, tại cao tốc thành phần Cần Thơ - Hậu Giang do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thi công, với diện tích công địa được bàn giao lớn, các nhà thầu liên tục mở rộng mũi thi công, hiện nay, trung bình mỗi tháng, dự án đạt giá trị xây lắp khoảng 50 tỷ đồng, tăng 250% so với thời điểm bắt đầu triển khai (20 tỷ đồng/tháng)...

Gỡ vướng mặt bằng, mỏ vật liệu

Thống kê trên toàn tuyến các dự án, các nhà thầu đã huy động tổng số hơn 5.500 đầu thiết bị máy móc các loại, gần 12.800 nhân sự thi công, hơn 330 tư vấn giám sát, tổ chức 567 mũi thi công, gồm: 278 mũi thi công cầu, 279 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến.

Chú thích ảnh
Sớm giải quyết nhu cầu cát đắp nền đường cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Về công tác GPMB, tính đến cuối tháng 9/2023, diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho các dự án đạt hơn 657 km, đạt khoảng 91%. Tuy nhiên, mặt bằng có thể thi công mới đạt hơn 600 km, đạt 84%. Phục vụ GPMB thi công dự án, có 41.290 hộ dân có đất phải thu hồi, trong đó có hơn 5.800 hộ phải bố trí tái định cư tại 150 khu tái định cư (147 khu xây mới, 3 khu đã có sẵn). Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành 56 khu tái định cư, đang triển khai thi công 91 khu, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành.

Chú thích ảnh
Nguồn đất cát đắp nền đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang thiếu hụt.

Riêng đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, các địa phương đang triển khai thi công di dời 77/143 vị trí đường điện cao thế 220 - 500 kV; triển khai di dời 562/1.531 vị trí, hoàn thành 257/562 vị trí đường dây 110 kV và đường dây trung, hạ thế...

Liên quan đến nguồn vật liệu thi công, đối với 10 dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hoà, tổng nhu cầu vật liệu đá cần gần 18 triệu m3 lấy từ 90 mỏ đang khai thác (tổng trữ lượng gần 1 triệu m3), tổng công suất khai thác gần 10,5 triệu m3/năm. Khả năng cung ứng của các mỏ đang khai thác đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, trữ lượng. Song, một số mỏ vẫn nâng công suất khai thác để đáp ứng tiến độ thi công khi các dự án thành phần triển khai đồng loạt tại một thời điểm.

Về vật liệu cát, tổng nhu cầu cho các dự án khoảng gần 10 triệu m3. Trong đó, khoảng 4,74 triệu m3 được sử dụng từ 77 mỏ đang khai thác với trữ lượng hơn 10 triệu m3. Hồ sơ mỏ vật liệu của dự án đã xác định cần khai thác 4,72 triệu m3 được sử dụng từ 14 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng gần 12 triệu m3.

Chú thích ảnh
Thời gian theo dõi lún của các dự án cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long kéo dài khoảng 13 tháng.

Với vật liệu đất, theo tính toán, nhu cầu của 10 dự án thành phần là gần 50 triệu m3. Trong đó, khoảng 2,7 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác, tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3. Hồ sơ mỏ vật liệu đã xác định cần khai thác gần 47 triệu m3 từ 74 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3. Hiện, các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối hợp với chủ mỏ, các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục nâng công suất, gia hạn giấy phép các mỏ đang khai thác. nhằm bảo đảm nguồn cung cho dự án.

Ngoài ra, UBND các địa phương đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 10/13 mỏ cát, /56 mỏ đất. Đến nay, nhà thầu đã khai thác được 4 mỏ cát, 14 mỏ đất. Đối với các mỏ đã hoàn thành bản đăng ký khối lượng, các nhà thầu đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất để khai thác...

Tuy nhiên, tại 2 dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau đang thiếu hụt nguồn cát, đất đắp nền đường, cần sớm được các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long tháo gỡ. Do khu vực này chủ yếu đi qua nền đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún. Nếu các địa phương không đẩy nhanh các thủ tục khai thác, cung cấp vật liệu cho dự án, bảo đảm cho các nhà thầu hoàn thành thi công đắp nền đường trước tháng 6/2024, tiến độ dự án khó đảm bảo do phải chờ lún trong thời gian từ 12 - 16 tháng. 

Bộ GTVT cũng đã đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, mặt bằng thi công để các dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Mặt bằng sạch cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình đã bàn giao gần 87%
Mặt bằng sạch cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình đã bàn giao gần 87%

Theo thống kê Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua tỉnh Quảng Bình hiện đã được địa phương ban giao cho chủ đầu tư các dự án 108,81 km/126,43 km (đạt 86,6%) mặt bằng sạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN