Nguồn vốn chính sách cũng đã góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Bên cạnh đó, cũng đã có hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách cũng đã được xây dựng từ nguồn vốn này.
Theo kết luận của Ban Bí thư ngày 10/6/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, hơn 5 năm qua, tuy công tác tín dụng chính sách xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số tồn tại cần cải thiện. Cụ thể, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40, một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội; một số nhiệm vụ đề ra chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời và triệt để.
Việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình tín dụng chính sách xã hội chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu.
Kết luận của Ban Bí thư cũng nêu rõ, chất lượng tín dụng tuy đã được nâng cao, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, địa phương. Vẫn còn thiếu cơ chế cụ thể lồng ghép, phối hợp hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội với tín dụng chính sách xã hội. Năng lực, trách nhiệm của một số tổ chức nhận uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tại cơ sở còn hạn chế.
Để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ban Bí thư cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tham mưu cho các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới. Cùng đó, xây dựng Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021 - 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt…