Biến tiềm năng thành thế mạnh
Năm 2018, anh Trần Ngọc Trà, thôn Hải Long, xã Đông Xuyên là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình nuôi vịt biển 15 Đại Xuyên do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình thực hiện. Anh Trà cho biết: Thời điểm đó vịt biển là vật nuôi còn khá mới lạ, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, với người nông dân, việc tìm hướng đi mới lại càng khó khăn hơn nhưng khi được nhà nước hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, nông dân cũng yên tâm hơn. Chu kỳ nuôi vịt biển đến khi xuất bán khoảng từ 3-4 tháng, khả năng thích ứng, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, kháng bệnh tốt.
Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (huyện Tiền Hải) cho biết: Các hộ tham gia Hợp tác xã cam kết bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hợp tác xã còn đặt riêng công ty sản xuất cám và tuân thủ giai đoạn sinh trưởng của vịt, nước uống gồm nước sạch pha cùng chế phẩm sinh học từ tỏi và vi sinh.
Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, năm 2021 sản phẩm vịt biển thịt và trứng vịt biển Đông Xuyên là một trong 17 sản phẩm OCOP đầu tiên được UBND tỉnh Thái Bình công nhận đạt OCOP 4 sao và là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) chứng nhận. Năm 2024 sản phẩm vịt biển Đông Xuyên còn đạt giải Nhì giải thưởng Sản phẩm Vàng Chăn nuôi Việt Nam.
Từ mô hình chỉ có vài hộ tham gia, nông dân không mặn mà vì thiếu thị trường tiêu thụ, đến nay Hợp tác xã chăn nuôi Đông Xuyên đã thu hút trên 60 hộ tham gia, tích cực chuyển đổi từ nuôi vịt thường sang mô hình nuôi vịt biển, mang lại lợi nhuận cao. Đặc biệt với thương hiệu OCOP 4 sao, giá trị sản phẩm thịt và trứng vịt biển Đông Xuyên được khẳng định và có chỗ đứng tại nhiều siêu thị trên địa bàn trong và ngoài tỉnh qua các kênh bán hàng truyền thống và sàn thương mại điện tử, tạo thị trường ổn định và gia tăng thu nhập cho bà con nông dân trong Hợp tác xã.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, với phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, không chạy theo số lượng, tỉnh Thái Bình thực hiện phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị gắn với phát triển cộng đồng.
Sau 4 năm triển khai, đến nay tỉnh có 194 sản phẩm OCOP của 136 cơ sở sản xuất (gồm 37 doanh nghiệp, 54 hợp tác xã và 45 hộ kinh doanh); trong đó có 146 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 48 sản phẩm đạt 4 sao với sản phẩm đa dạng từ nông nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp. Quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu OCOP từ những sản phẩm đặc trưng của địa phương đã góp phần không nhỏ giải quyết bài toán phát triển kinh tế địa phương cũng như giúp nông dân tìm ra hướng đi mới trong sản xuất.
Hướng đến sản phẩm OCOP bền vững
Nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống của địa phương, tỉnh đang đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP mang thương hiệu đặc trưng của Thái Bình; trong đó, trọng tâm vừa xây dựng sản phẩm mới vừa nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu củng cố, phát triển 60 - 70 tổ chức kinh tế và hộ sản xuất để mở rộng quy mô sản phẩm tham gia chương trình OCOP, ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm được công nhận sản phâm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, phấn đấu có 2 - 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia; có 50% số xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Không thể phủ nhận hiệu quả của chương trình OCOP mang lại, song để sản phẩm OCOP thực sự phát triển bền vững và trở thành trọng tâm phát triển của kinh tế khu vực nông thôn, việc xây dựng và phát triển thương hiệu OCOP Thái Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Công Thương Thái Bình, số lượng điểm bán sản phẩm OCOP theo quy định tại Quyết định số 950/QĐ - BCT ngày 18/4/2023 của Bộ Công thương về “Tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 – 2025” trên địa bàn tỉnh ít và chỉ có một số rất ít điểm bán sản phẩm OCOP đáp ứng được tiêu chí về địa điểm, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm cũng như hạn chế quá trình xây dựng bản đồ số hóa sản xuất nông sản và các điểm bán nông sản, điểm bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô sản xuất còn nhỏ nên rất khó kết nối với các siêu thị và chuỗi bán lẻ.
Mặt khác, theo quy định giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao chỉ có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau khoảng thời gian trên, các chủ thể phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại sản phẩm. Nếu không thực hiện đánh giá, công nhận lại cho sản phẩm, các cơ quan chuyên môn sẽ lập hồ sơ, hủy bỏ danh hiệu OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên Ngô Văn Duẩn, bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung theo hướng yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng...
Đây là những tiêu chí khó, cần thời gian, kinh phí thực hiện, trong khi chủ thể của 17 sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh đã được công nhận năm 2021 đến hạn công nhận lại chủ yếu là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, khó khăn về tiềm lực.
Do đó, các chủ thể mong muốn các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với việc đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP nhằm khuyến khích các chủ thể đăng ký lại cũng như góp phần giúp phát triển bền vững các sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.