Ông Nguyễn Đình Tùng cũng đưa ra vấn đề, doanh nghiệp không thể đi làm mã số vùng trồng ở các vùng nguyên liệu, trong khi các vùng nguyên liệu ở nhiều địa phương. Do đó, các địa phương cần chuẩn bị, xây dựng trước về mã số vùng trồng. Nếu doanh nghiệp thu mua sản phẩm thì địa phương sẽ cấp mã đó cho doanh nghiệp.
“Nếu chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ rất khó. Cần quy định nếu có sự thay đổi về diện tích hay vấn đề nào đó thì mới cấp lại. Nếu chỉ cấp theo năm thì sẽ rất nhanh hết hạn, nên đôi khi doanh nghiệp sẽ rất bị quên việc phải tái chứng nhận mã số vùng trồng”, ông Nguyễn Đình Tùng kiến nghị.
Trước vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin, hiện Cục Bảo vệ thực vật cũng đã hướng đến triển khai cấp mã số vùng trồng cho thị trường mục tiêu để khi mở cửa thị trường là sản phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ngay. Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí cấp mã số vùng trồng thì nỗ lực của nông dân, các địa phương rất quan trọng. Mã số vùng trồng giờ không chỉ cho xuất khẩu mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước.
Đến nay, cả nước đã có trên 4.000 mã số vùng trồng với trên 300.000 ha cho các loại hoa quả chính như: chuối, thanh long, nhãn, mít, xoài, chôm chôm… Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1.500 mã, chiếm trên 39%.
Song song với đó là việc xây dựng mã số đóng gói. Đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long được cấp 932 mã, chiếm 50%.
Về công tác mở rộng thị trường, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ 6 loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Hai bên đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi.
Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu chanh leo. Quả sầu riêng cũng đang đàm phán ở giai đoạn cuối. Hai bên đang hoàn thiện Nghị định thư quy định xuất khẩu về vùng trồng, mã số nhà phân phối và quản lý dịch hại.
Thông tin về tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường tại Sóc Trăng, ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, thời gian qua, do ý thức sản xuất của người dân được nâng cao nên nông sản trên địa bàn tỉnh đã tiêu thụ tốt, không xảy ra tình trạng ùn ứ.
“Điểm sáng của Sóc Trăng là người dân cũng đang chủ động nâng cao chất lượng, đăng kí mã số vùng trồng, tham gia các hợp tác xã để hướng đến sản xuất một số loại trái cây khác”, ông Trần Trọng Khiêm cho hay.
Ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang đề xuất xây dựng đề án nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2025 và đề án xây dựng 4 kho nông sản: trái cây, hành, lúa, thủy sản. Ngành cũng đề xuất với tỉnh có những chính sách hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế sâu rau củ quả, đặc biệt là sản phẩm hành tím của địa phương.
“Khi người dân thu hoạch nông sản đồng loạt, thương lái thu mua không hết. Việc xây dựng những kho dự trữ nông sản để giúp người dân bảo quản nông sản trong điều kiện tốt, tránh để ùn ứ”, ông Trần Trọng Khiêm cho biết.
Với Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh hiện có khoảng 21.500 ha diện tích cây ăn quả. Gia Lai vừa ban hành đề án phát triển cây ăn quả định hướng năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh dự kiến đưa diện tích cây ăn quả lên 55.000 ha vào năm 2025 và 100.000 ha vào năm 2030. Để làm được điều này, Gia Lai chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang tập trung cây ăn quả.
Tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 cây ăn quả chính là: chanh leo hiện gần 4.000 ha, mục tiêu sẽ lên trên 20.000 ha; 4.000 ha chuối sẽ phát triển lên gần 10.000 ha; cây bơ đang có gần 2.600 ha sẽ phát triển lên 4.000 ha; sầu riêng hiện 2.800 ha sẽ phát triển lên 6.000 ha. Hiện cây chanh leo, chuối đang cho người dân lợi nhận có thể 350 - 400 triệu ha/năm.
Vừa qua, nhờ sự kết nối, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Gia Lai tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Qua hội nghị, nhiều “đại bàng” trong ngành nông nghiệp cam kết đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản của tỉnh thời gian tới.
Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cam kết hỗ trợ chế biến khoảng 52.000 tấn trái cây, Công ty Nafoods khoảng 28.000 tấn và Công ty Hoàng Anh Gia Lai khoảng 100.000 tấn.
Theo Cục Trồng trọt, tổng sản lượng cây ăn quả chính phía Nam 6 tháng cuối năm khoảng 4,05 triệu tấn; trong đó quý III là 2,078 triệu tấn, quý IV là 1,972 triệu tấn. Loại trái cây nhiều nhất là thanh long với khoảng 869.000 tấn tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; tiếp đến là chuối với sản lượng 563.000 tấn; sầu riêng với 440.000 tấn; xoài 355.000 tấn…