Theo đó, giao thông trên tuyến quốc lộ bảo đảm thông suốt an toàn, chưa có thiệt hại do mất an toàn giao thông.
Thông tin từ các Sở Giao thông Vận tải cho thấy đã xảy ra sạt lở nhỏ trên quốc lộ 15, quốc lộ 16, tỉnh Thanh Hoá, quốc lộ 4B tỉnh Lạng Sơn và một số quốc lộ các tỉnh phía Bắc. Đồng thời các đơn vị báo cáo chưa có sạt lở lớn. Xuất hiện hiện tượng đá lăn, đá lở trên quốc lộ 6 địa phận tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Trên một vài tuyến ở một số địa phương, gió mạnh làm đổ biển báo hiệu đường bộ và cây đổ, đứt dây diện, mái tôn nhà dân bay ra đường, nhiều vị trí đèn tín hiệu không hoạt động do mất điện lưới và tốc mái trạm thu phí.
Công tác dọn dẹp, cắt cây, lắp đặt biển báo đã bắt đầu được triển khai để bảo đảm an toàn giao thông, thông suốt an toàn.
Là đơn vị quản lý địa bàn tâm bão số 3, ông Đinh trung Thành, giám đốc Khu Quản lý đường bộ I cho biết, có 4 biển báo chỉ dẫn vào đường Tân Vũ - Lạch Huyện lắp đặt trên đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị hư hỏng. Cầu Đình Vũ - Cát Hải (Đường Tân Vũ - Lạch Huyện) đã được thông xe vào lúc 22h ngày 7/9.
Trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh có một số vị trí cây đổ ra phần mặt đường, các lực lượng đang phối hợp cắt cây giải phóng mặt đường.
Các tuyến BOT: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cao Bồ - Mai Sơn - Hầm Tam Điệp không có thiệt hại. Trên quốc lộ 5, không xảy ra ùn tắc giao thông.
Về vận tải, Cục Đường bộ cho biết, Cục đã chủ động có phương án tạm dừng các hoạt động vận tải đường bộ trong thời gian bão số 3 đổ bộ, đảm bảo an toàn cho tính mạng con người và tài sản, sẵn sàng phương án chuyển tải hành khách trong trường hợp nếu có sự cố đặc biệt.
Vì vậy, vận tải trong khu vực bão số 3 được đảm bảo an toàn không xảy ra sự cố mất an toàn nào đối với phương tiện và hành khách.
Để có được kết quả trên, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thực hiện công tác ứng trực, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông; khẩn trương khắc phục để thông xe, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập; tổ chức các đoàn công tác đến ngay các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp đề ra các giải pháp khắc phục để thông xe nhanh nhất.
Ngoài lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị của lực lượng tại chỗ của các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, Cục đã chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải huy động thêm vật tư, thiết bị, máy móc, thiết bị cũng như nhân lực trong và ngoài ngành để triển khai công tác khắc phục.