Theo số liệu từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2018, bình quân rừng Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính đạt 18,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ)/năm do ngăn ngừa suy thoái và mất rừng. Cùng với đó, phát triển rừng tăng cả diện tích và chất lượng giúp tăng hấp thụ bình quân khoảng ,5 triệu tấn CO2tđ. Như vậy, tổng cộng cả hấp thụ và phát thải ròng từ rừng đạt 56,8 triệu tấn CO2 tđ.
Tại Quyết định 895/QĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp thời kỳ 2021 - 2030 là 15.848,5 nghìn ha. Trong đó, diện tích đất rừng đặc dụng là 2.454,9 nghìn ha, chiếm 15,5%; đất rừng phòng hộ là 5.229,6 nghìn ha, chiếm 33%; đất rừng sản xuất là 8.164,0 nghìn ha, chiếm 51,5%; diện tích đất có rừng 14.696,8 nghìn ha, chiếm 92,7% diện tích đất lâm nghiệp.
Hiện nay, phát triển rừng theo hướng đa giá trị là xu hướng được Việt Nam đẩy mạnh. Theo đó, ngoài các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện (hiện mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng), nguồn lợi lớn khác đến từ rừng chính là các sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ. Trong đó, phát triển thị trường carbon rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Điều này được thể hiện rõ trong Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2024. Vì vậy, các giá trị nguồn lợi từ rừng cần được khai thác, phát huy hiệu quả và bền vững hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu mới cũng như hướng tới các mục tiêu net zero mà Việt Nam đã cam kết.
Theo bà Nghiêm Phương Thúy, đại diện Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 2 dự án carbon lâm nghiệp đang được triển khai là Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERP) và Thỏa thuận mua bán giảm phát thải vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Các tiêu chuẩn tín chỉ khác nhau, nhưng chủ yếu nguồn tín chỉ đến từ kết quả giảm phát thải khí nhà kính nhờ bảo vệ rừng. Còn tín chỉ từ nguồn hấp thụ khí nhà kính qua hoạt động trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi, tái sinh rừng hầu như không đáng kể. Nguyên nhân do các quy định xác định tín chỉ rất ngặt nghèo và các diện tích rừng trồng của Việt Nam đều khó đáp ứng tiêu chuẩn.
Về định hướng trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp sẽ tục triển khai các chương trình giảm phát thải và nghiên cứu thí điểm tín chỉ carbon có chất lượng cao; tăng cường truyền thông, tập huấn kỹ thuật, đặc biệt về kiểm kê khí nhà kính, báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh đó, thể chế chính sách về chuyển nhượng và quản lý tài chính nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng sẽ tiếp tục được hoàn thiện; xác định rõ tiêu chuẩn carbon rừng Việt Nam và cơ chế vận hành, hướng dẫn xây dựng và triển khai thí điểm một số dự án có tiềm năng. Huy động nguồn lực trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ các bên liên quan...
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Những vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 là cần thiết để triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường carbon và bảo vệ tầng ozone, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam chuẩn bị thiết lập và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Việc mua bán, thực hiện các giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ góp phần làm giảm khí thải, giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm đối với môi trường và sự phát triển bền vững của tự nhiên…