Theo đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân khoanh vùng khu vực trồng lúa bị ngập nặng và huy động máy bơm kể cả máy bơm dầu để nhanh chóng tiêu thoát nước.
Đối với những diện tích lúa gieo vãi còn thấp cây, diện tích lúa mới cấy, khẩn trương tập trung ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập nặng và đảm bảo phải tiêu thoát nước ngay trong 24 giờ để đảm bảo cho lúa sinh trưởng ổn định.
Với những diện tích trồng lúa mà bị thiệt hại không thể khắc phục, Phó Giám đốc Lương Thị Kiểm cho biết đã đề nghị các địa phương chuẩn bị nguồn giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày như P6ĐB, KD18, HN6, BT7... để gieo cấy lại kịp thời nếu lúa thiệt hại từ 50% trở lên, lưu ý thời gian gieo cấy lại kết thúc trước ngày 5/8 để đảm bảo thời vụ.
Riêng những diện tích lúa có thể phục hồi được, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương và bà con nông dân khẩn trương dọn sạch bèo, rong rêu, dồn dặm, chăm sóc, bón phân cho cây lúa phục hồi và phát triển; đồng thời, tập trung cấy dặm để đảm bảo đủ mật độ lúa trên đồng ruộng.
Diện tích rau màu có thể phục hồi được thì ngành nông nghiệp hướng dẫn các địa phương và người dân tập trung khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, đầu luống, đầu khâu ở vùng rau màu, chuyên màu; chủ động làm khum che nilon cho các diện tích rau ăn lá, rau gia vị dễ bị dập nát. Đồng thời, kiểm tra gia cố chằng níu bảo vệ nhà màng, nhà lưới; khẩn trương bơm tiêu úng nhanh nhất; chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên khu vực tỉnh Hải Dương đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa trung bình đến 13 giờ ngày 23/7 là 92mm. Lượng mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa, rau màu vụ hè, cây ăn quả bị ngập nước. Một số địa phương như thị xã Kinh Môn, thành phố Chí Linh xuất hiện một vài điểm sạt lở đất với diện tích nhỏ.
Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương đang vận hành 92 trạm bơm với 543 máy bơm các loại để kịp thời tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Với diễn biến phức tạp của thời tiết, trong thời gian tới, để phòng chống các thiệt hại có thể xảy ra do mưa bão, bên cạnh các giải pháp bảo vệ lúa, đối với vùng rau màu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương khuyến cáo người dân thu hoạch nhanh diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch nhất là dưa hấu, dưa lê, rau gia vị; dừng gieo trồng rau màu đến khi kết thúc ảnh hưởng của mưa bão; khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, đầu luống, đầu khâu ở các vùng rau màu, chuyên màu; chủ động làm khum che nilon cho các diện tích rau ăn lá, rau gia vị dễ bị dập nát…
Cùng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị người dân cần tích cực chăm sóc để tăng khả năng chống chịu với tác động của thời tiết cho đàn vật nuôi; kiểm tra, nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa chuồng trại chăn nuôi ở vị trí gần bờ sông, vị trí đất mái dốc để phòng, tránh sạt lở đất.
Ngoài ra, người dân cần khơi thông hệ thống thoát nước của khu vực chuồng trại như hệ thống thoát nước thải, nước mưa, nơi chứa chất thải rắn, nhằm hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt. Người dân cũng cần dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Đồng thời đảm bảo cung cấp điện kịp thời (chuẩn bị sẵn máy phát điện khi mất điện lưới) cho các lò ấp trứng giống đảm bảo có con giống chất lượng để tái đàn; định kỳ phun sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Đối với thủy sản nuôi trong ao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị người dân kiểm tra, tu bổ lại các bờ ao cho chắc; kiểm tra hệ thống xả tràn, chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ tránh thất thoát. Người dân cũng cần tập trung vệ sinh ao nuôi sau mưa bão; điều chỉnh giảm lượng thức ăn, hạn chế khi nước đục hoặc nước đổi màu để tránh ô nhiễm môi trường…
Với thủy sản nuôi lồng bè trên sông, khi có bão và mưa lớn, người dân cần gia cố lại toàn bộ hệ thống lồng nuôi như: dây neo, phao lồng, lưới, khung lồng, đường đi trên lồng, nhà bảo vệ; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá và chủ động di chuyển lồng nuôi về vị trí an toàn hoặc tháo dỡ đưa lên bờ. Mặt khác, chuẩn bị thuyền máy, phao cứu sinh hỗ trợ khi cần thiết; không ở lại lồng bè nuôi khi có mưa lũ lớn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người; chủ động sơ tán dụng cụ thiết bị, vật tư, thức ăn khi có gió bão, mưa lũ…