Đoàn đã đến khảo sát trực tiếp tại mỏ cát MS 11 (trên sông Hậu) thuộc huyện Trần Đề và huyện Cù Lao Dung. Mỏ cát MS11 có diện tích khoảng 73,6 ha với trữ lượng khoảng 2,1 triệu m3. Tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất giao hồ sơ mỏ cát MS11 cho Công ty CP Hải Đăng khai thác, với trữ lượng được phép khai thác tại mỏ khoảng 400.000 m3. Đối với mỏ cát MS 03, thuộc huyện Kế Sách, giao Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP để khai thác. Hiện mỏ có trữ lượng khoảng 1,1 triệu m3; trong đó trữ lượng được phép khai thác khoảng 400.000 m3.
Khảo sát trực tiếp việc khai thác thử nghiệm, đoàn đánh giá, lượng cát được khai thác tại các mỏ đảm bảo nhu cầu phục vụ san lấp dự án. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề nghị, đơn vị khai thác đảm bảo đúng theo các quy định như độ sâu, an toàn cho các tàu, thuyền qua lại trên sông... Đồng thời, cam kết bảo vệ môi trường; bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Các sở ngành chức năng, địa phương cần phối hợp hướng dẫn, quản lý giám sát các nhà thầu thi công khai thác đúng cam kết, quy định. Trong quá trình khai thác và cung ứng cát cho Dự án thành phần 4, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các nhà thầu thi công có văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời - lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.
Trước đó, tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao 5 hồ sơ mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công để tiến hành lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công các gói thầu xây lắp của Dự án thành phần 4. Cụ thể, đại diện 4 nhà thầu có nhu cầu sử dụng cát gồm: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn gần 1,5 triệu m3; Công ty CP Hải Đăng gần 1,8 triệu m3; Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 5 gần 1,9 triệu m3 và Tổng công ty Xây dựng số 1 gần 1,5 triệu m3. Cuối tháng 6/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cùng phối hợp với Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tổ chức khởi công khai thác cát sông tại mỏ cát MS05.