Trong cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây nhất với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã chia sẻ những phân tích chuyên sâu về các vấn đề này. Trong đó, ông Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước thiên tai và đề xuất các giải pháp điều chỉnh chính sách để tận dụng tối đa cơ hội từ xu hướng nới lỏng tiền tệ toàn cầu.
Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão vừa qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với cơ sở hạ tầng và lĩnh vực nông nghiệp của nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc. Ông đánh giá thế nào về tác động của nó đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới?
Hậu quả của cơn bão số 3 vẫn đang tiếp diễn. Chính phủ ước tính thiệt hại ban đầu lên tới 81.503 tỷ đồng. Đây là những ước tính ban đầu và cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão.
Ngoài những thiệt hại về người, cơn bão còn gây ra mất mát về tài sản, mùa màng và công cụ sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, chúng ta cũng nhìn thấy cơ hội để phục hồi và phát triển. Việc cứu trợ, khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế, góp phần bù đắp một phần thiệt hại kinh tế. Do đó, tác động cuối cùng của cơn bão đối với tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào hiệu quả của công tác khắc phục và tái thiết.
Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo rằng thiên tai có thể "thổi bay" hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam nên có cách tiếp cận như thế nào để chuyển đổi sang nền kinh tế ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu?
Việt Nam là quốc gia thường xuyên đối mặt với thiên tai. Chính vì vậy, việc tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động của thiên tai là vấn đề hết sức cấp thiết.
Trong ngắn hạn, để ứng phó hiệu quả với tình hình này, việc tăng cường hỗ trợ của Nhà nước để khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai là quan trọng. Trong quá trình khắc phục hậu quả sau bão, Chính phủ Việt Nam đã có gói cứu trợ trực tiếp lên đến 350 tỷ đồng cùng sự đồng lòng của toàn dân và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, quá trình tái thiết không chỉ dừng ở việc khôi phục lại như cũ mà cần hướng tới việc xây dựng và nâng cấp các công trình, cơ sở hạ tầng bền vững hơn, có sức chống chịu tốt hơn trước tác động của thiên tai.
Ngoài ra, về dài hạn, chúng ta cũng nên tiếp cận một cách có hệ thống để xây dựng các tiêu chuẩn về sức chống chịu trước thiên tai, chẳng hạn như việc đưa ra tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình dân dụng hay công trình hạ tầng. Đối với rủi ro thiên tai như lũ lụt, ngập lụt, sạt lở hay mưa bão, những tiêu chuẩn thiết kế như vậy sẽ là cơ sở cho quá trình tái thiết tốt hơn, với sức chống chịu cao hơn trước những thiên tai tương tự.
Bên cạnh đó, cần phát triển hơn nữa thị trường bảo hiểm, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù để xử lý rủi ro thiên tai, vì đây chính là một trong những công cụ hiệu quả để tạo ra nguồn lực khắc phục thiên tai. Bảo hiểm tài sản, kể cả tài sản công, và mùa màng sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi nhanh chóng sau khi xảy ra thiên tai, từ đó thúc đẩy sản xuất và kinh doanh ổn định.
Ngày 19/9, Fed đã quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản. Như vậy, lần đầu tiên sau 4 năm, Fed thể hiện động thái nới lỏng tiền tệ với một trong những mục tiêu là thúc đẩy kinh tế Mỹ. Cùng với Fed, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng đã đồng loạt thực hiện nới lỏng. Xin ông đánh giá về tác động của xu hướng này đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Việc Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản, song song với quyết định tương tự từ các ngân hàng trung ương khác, là động thái tiếp theo của quá trình các ngân hàng này kiểm soát lạm phát cao từ năm 2022.
Sau một thời gian thắt chặt tiền tệ, họ đã đưa lạm phát về mức 2-3% - ngưỡng được cho là có thể kiểm soát. Trong khi đó, bản thân những nền kinh tế này lại phát đi một số tín hiệu khó khăn sau thời gian lãi suất duy trì ở mức cao, khiến các ngân hàng nhận thấy nhu cầu hạ lãi suất để thúc đẩy kinh tế.
Đối với kinh tế Việt Nam, tác động trực tiếp từ xu hướng hạ lãi suất này là không lớn. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với tác động chung là sự suy yếu nhu cầu nhập khẩu khi nền kinh tế của các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt - điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam lại là nền kinh tế rất mở về mặt xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cao gần gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó riêng xuất khẩu chiếm khoảng 80% GDP. Do đó, khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường phát triển có dấu hiệu chững lại hoặc suy giảm, triển vọng tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, về mặt chính sách tiền tệ, xu hướng hạ lãi suất sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về lãi suất. Về mặt vĩ mô, điều này sẽ giúp giảm áp lực về tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD. Đây là một thuận lợi cho Việt Nam.
Môi trường lãi suất thấp hơn tại Mỹ sẽ giúp Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ sản xuất doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xin ông đưa ra một vài khuyến nghị để Việt Nam tối ưu hóa những tác động tích cực từ việc này?
Thứ nhất, việc hoạch định chính sách tiền tệ như tôi vừa nói ở trên sẽ gắn với các quản lý vĩ mô của từng nền kinh tế. Chẳng hạn, việc Fed điều chỉnh lãi suất là để thích ứng với các điều kiện kinh tế vĩ mô của Mỹ.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã rất linh hoạt trong việc sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để điều hành vĩ mô. Ngay từ năm 2023, khi dấu hiệu lạm phát cao ở Việt Nam không quá phức tạp như ở các nước khác, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái rất mạnh mẽ để hạ lãi suất và duy trì lãi suất ở mức tương đối thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã ở ngưỡng tương đối thấp, ở mức 3 - 4,5% so với lạm phát mục tiêu là 4 - 4,5%. Chênh lệch lãi suất thực giữa lãi suất điều hành và lạm phát là tương đối hẹp. Do đó, dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ là không nhiều. Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, khoảng cách lãi suất giữa tiền ngoại tệ và tiền Việt Nam giảm xuống thì áp lực đối với tỷ giá cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, khó khăn là cầu tín dụng của doanh nghiệp đang yếu. Lý do là khi nền kinh tế gặp khó khăn và hoạt động sản xuất kinh tế chững lại, doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng vốn. Khi cầu tín dụng thấp, việc hạ lãi suất hơn nữa sẽ tác động đến phần cung tiền tệ, mang lại hiệu quả thấp hơn.
Khi cầu tín dụng thấp, chúng ta cần chính sách kích cầu và biện pháp kích cầu tốt hơn là chính sách tài khóa. Theo quan điểm của tôi, chính sách tài khóa kích cầu sẽ bao gồm tăng chi tiêu của chính phủ, đặc biệt là đầu tư công. Bên cạnh đó, chi tiêu cho các chương trình xã hội, ví dụ chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cũng cần được chú trọng.
Khi nhu cầu nội địa được thúc đẩy, các doanh nghiệp cũng sẽ nhìn thấy cơ hội sản xuất kinh doanh và có động lực vay vốn để mở rộng hoạt động, từ đó thúc đẩy cầu tín dụng, giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả hơn.
Tóm lại, thông điệp của tôi là cần sự phối hợp hài hòa hơn nữa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa tại thời điểm này. Trong đó, chính sách tài khóa có tác động trực tiếp hơn và có vai trò lớn hơn trong giai đoạn này.
Trân trọng cảm ơn ông!