Ông Võ Chi, Chủ tịch Hiệp hội nho - táo Ninh Thuận cho biết, việc ký kết các chương trình hợp tác với một số đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp ngoài tỉnh sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nho và táo của tỉnh trong thời gian tới, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trồng nho và táo cũng như các doanh nghiệp chế biến sản phẩm nho và táo.
Theo nội dung ký kết, Hiệp hội nho - táo Ninh Thuận và Hội Nông dân tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện có hiệu quả chủ trương của UBND tỉnh về quy chế quản lý, sử dụng, chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho - táo trên địa bàn tỉnh.
Hiệp hội nho - táo Ninh Thuận cũng ký kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ vốn tín dụng để hội viên nông dân tiếp cận vốn vay đầu tư phát triển sản xuất nho và táo.
Đồng thời ký kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh để giúp hội viên và nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nho, táo; tăng cường tuyên truyền, vận động bà con sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ cho cây nho, táo và các sản phẩm nông nghiệp khác, hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm nho, táo sạch để thu hút thị trường và tạo niềm tin từ người tiêu dùng gắn với đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm nho, táo cho du khách trong và ngoài nước.
Cùng với đó, Hiệp hội nho - táo Ninh Thuận cũng ký kết với Công ty Cổ phần sản xuất thương mại chế phẩm sinh học Lâm Đại Hùng và Công ty TNHH nông nghiệp Điền Xanh (Thành phố Hồ Chí Minh) để cung cấp các sản phẩm sinh học hữu cơ đến hội viên nông dân trong tỉnh ứng dụng vào quá trình sản xuất. Song song đó, ký kết với Hợp tác xã OCOP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty Cổ phần liên kết Việt Nam… để thu mua sản phẩm nho, táo và một số nông sản khác cho hội viên và nông dân trong tỉnh.
Tại lễ ký kết, đại diện các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm nho, táo đều cho rằng, việc ký kết hợp tác sẽ tạo luồng sinh khí mới, hướng đi mới cho phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm nho, táo của tỉnh theo hướng sạch và an toàn. Đây cũng là điều kiện để các doanh nghiệp cùng chung tay liên kết, tạo ra những sản phẩm mới đặc sắc hơn, chất lượng hơn được chế biến từ nho và táo, góp phần nâng cao thương hiệu nho, táo Ninh Thuận để hướng đến xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước với trên 1.000 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 26.000 - 28.000 tấn nho tươi. Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ quả nho và gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
Theo định hướng phát triển đến năm 2025, diện tích trồng nho của tỉnh Ninh Thuận sẽ đạt khoảng 1.770 ha, sản lượng ước đạt trên 44.000 tấn; trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt trên 1.000 ha (chiếm khoảng 60% tổng diện tích nho của tỉnh) với sản lượng ước trên 27.000 tấn.
Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận nâng diện tích trồng nho lên 2.000 ha, sản lượng ước đạt trên 51.000 tấn; trong đó, diện tích nho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đạt trên 1.500 ha (chiếm khoảng 76% tổng diện tích nho của tỉnh) với sản lượng ước đạt trên 40.000 tấn.
Đối với táo, hiện toàn tỉnh trồng gần 1.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn. Táo là 1 trong số 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây táo, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang phối hợp các viện, đơn vị nghiên cứu giống cây trồng đẩy mạnh hoàn thiện nghiên cứu quy trình canh tác các giống táo mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt như: TN01, táo bom TN05… để chuyển giao cho người dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng.