Đoàn đã đến kiểm tra tại các xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), xã Thạnh Trị (thị xã Kiến Tường), xã Bình Thạnh (huyện Mộc Hóa) và xã Bắc Hòa (huyện Tân Thạnh). Đoàn ghi nhận mực nước ngoài kênh đang cao hơn mặt ruộng từ 1,5 - 2m và một số đoạn đê đang rất yếu, có nguy cơ xảy ra vỡ đê gây ảnh hưởng đến sản xuất. Xã Thạnh Trị và xã Bình Thạnh là 2 xã có diện tích lúa và hoa màu bị mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng; hàng trăm ha lúa và hoa màu đang chìm trong biển nước, chính quyền địa phương và người dân đang tích cực bơm tát nước.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, trên địa bàn huyện có 42 ha lúa bị nước nhận chìm và 12 ha hoa màu như dưa hấu, bí đỏ, khổ qua bị thiệt hại hoàn toàn. Sau khi thiệt hại xảy ra, chính quyền địa phương cùng với bà con huy động tất cả các phương tiện gia cố lại đê bao, ngăn các cống tràn từ bên ngoài vào. Hiện huyện cơ bản đã đắp đê, khống chế được mực nước dâng lên vào đồng ruộng. Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục gia cố những khu đê bao còn lại, đảm bảo bà con thu hoạch vụ lúa Đông Xuân sớm.
Trước đó, từ ngày 21 - 22/10, trên địa bàn Long An đã xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng, kết hợp với lũ lên nhanh đã gây ngập tràn các tuyến bờ bao gây thiệt hại cho lúa, hoa màu, cây ăn trái của người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Qua thống kê, các huyện vùng Đồng Tháp Mười có gần 1.143 ha bị ảnh hưởng; trong đó, diện tích bị thiệt hại mất trắng gần 703 tại các huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hóa. Ngoài ra, Long An còn có hơn 11.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả có nguy cơ bị ảnh hưởng ngập úng.
Qua khảo sát thực tế, ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng nguyên nhân chính gây ngập úng là mưa lớn kết hợp lũ và triều cường; đồng thời, các địa phương và người dân vẫn còn chủ quan trong gia cố đê bao. Bên cạnh đó, việc kiểm soát các cống ngang đê của các huyện, thị xã chưa được thực hiện tốt.
Trước tình hình, ông Nguyễn Minh Lâm cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cho các địa phương có nguy cơ ngập lụt, phải lưu ý tập trung gia cố đê bao, vận động người sử dụng các nguồn lực hiện có để bơm nước, gia cố đê bao và cùng nhà nước chống ngập úng. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tăng cường tuyên truyền người dân kiểm tra, gia cố những điểm xung yếu để tránh thiệt hại; khuyến khích người dân triển khai sản xuất theo kế hoạch đã đề ra.
UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các huyện vùng Đồng Tháp Mười tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND cấp xã tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến tình hình mực nước lũ, triều cường. Các huyện tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao có cao trình thấp, xung yếu, chưa khép kín. Đồng thời, chuẩn bị tốt phương châm 4 tại chỗ (nhất là các thiết bị cơ giới) sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó khi lũ lên nhanh có khả năng đe dọa đến an toàn công trình đê bao, bờ bao, nhằm bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hai do ảnh hưởng ngập lũ.