Năm 2024 đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho biến lược phát triển thị trường chứng khoán, với mục tiêu nâng hạng thị trường. Chính phủ và Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng quản trị công ty minh bạch gắn với ESG của các doanh nghiệp niêm yết. Do đó, hội nghị nhằm mục đích thảo luận và triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng quản trị công ty minh bạch, gắn với các tiêu chí (môi trường, xã hội và quản trị) cho các doanh nghiệp niêm yết, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, sự hiện diện của các chủ tịch HĐQT các doanh nghiệp niêm yết tại hội nghị cho thấy nhận thức về vai trò, lợi ích của quản trị công ty tốt ngày càng được nâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp niêm yết của thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Bà Vũ Thị Chân Phương mong muốn, thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp quan tâm đến việc quản trị công ty tốt. Thậm chí, tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán đều quan tâm quản trị công ty tốt, đầy đủ theo thông lệ quốc tế.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua 25 năm xây dựng và phát triển đang dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khởi đầu chỉ có 3 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đến nay đã có gần 1.800 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày tính riêng cho Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh trên dưới 1 tỷ USD. Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán cũng dần tăng lên, hiện nay đã có khoảng hơn 7 triệu tài khoản, tương đương khoảng 7,5 % dân số. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn thành công trên thị trường chứng khoán từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu.
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp niêm yết ngày càng lớn mạnh. Nhiều doanh nghiệp thu hút vốn lớn, do đó vấn đề về quản trị công ty rất quan trọng.
Việc quản trị công ty tốt sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh, khả năng tiếp cận sử dụng vốn, giảm chi phí vốn và gia tăng giá trị tài sản doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trên trường quốc tế cũng như Việt Nam.
Chính vì vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tham mưu cho Bộ Tài chính, Chính phủ cũng như Quốc hội Việt Nam xây dựng Luật Chứng khoán năm 2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có đề xuất với cơ quan có thẩm quyền thông qua nhóm chính sách về quản trị, để luật hóa các quy định về quản trị công ty phù hợp với nguyên tắc quản trị công ty của OECD năm 2015. Đồng thời nâng cao tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp đại chúng và những quy định này đã được luật hóa, cũng như đã có hướng dẫn thi hành.
Trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hội nhập, tiếp cận với những chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới nâng hạng từ cận biên lên mới nổi, do đó, việc quản trị công ty trở nên cấp thiết hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khi nâng hạng thị trường, mối quân tâm đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài chính là hàng hóa trên thị trường có tốt và minh bạch hay không. Bên cạnh những chính sách của cơ quan quản lý, các yếu tố về môi trường kinh tế trong nước, hàng hóa trên thị trường chứng khoán là yếu tố vô cùng quan trọng.
Chính các cổ phiếu của gần 1.800 doanh nghiệp niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc minh bạch báo cáo tài chính, đáp ứng việc nâng hạng đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ quản trị công ty nghiêm ngặt hơn. Minh bạch thông tin nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, cùng đó nâng cao tiêu chuẩn quản trị, áp dụng tiêu chuẩn quản trị công ty tốt cũng để đáp ứng nhu cầu nâng hạng thị trường.
Nâng hạng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được thêm nhiều vốn, tăng uy tín quốc tế, nâng cao tính thanh khoản. Đặc biệt là đảm bảo hài hòa giữa sự phát triển sản xuất với trách nhiệm xã hội. Khi thị trường chứng khoán được nâng hạng, các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề môi trường, xã hội và quản trị để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và hình ảnh trong mắt nhà đầu tư toàn cầu.
"Với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tôi cam kết sẽ tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong các vấn đề về quản trị công ty. Nếu doanh nghiệp có vướng, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp để giúp doanh nghiệp niêm yết ngày càng quản trị tốt hơn, thu hút thêm dòng vốn đầu tư", bà Vũ Thị Chân phương chia sẻ.
Theo Chủ tịch VIOD, bà Hà Thị Thu Thanh, quản trị công ty là một trong những yếu tố quan trọng nhất bên cạnh chất lượng sản phẩm dịch vụ. Nhà đầu tư xem thông tin bền vững là một phần quan trọng trong quá trình thẩm định, đánh giá và ra quyết định đầu tư.
Trong bối cảnh quản trị công ty tại Việt Nam còn khoảng cách so với khu vực, để chuẩn bị cho việc nâng hạng thị trường, Việt Nam cần một bộ tiêu chí quản trị công ty, giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận các tiêu chuẩn quản trị công ty trong khu vực một cách có hệ thống.
Đó là bộ tiêu chí VNCG50. Bộ tiêu chí này tập hợp 50 doanh nghiệp Việt Nam tiên phong và cam kết bảo đảm các thực hành quản trị công ty theo thông lệ tốt, nhằm rút ngắn khoảng cách về quản trị công ty của Việt Nam với ASEAN.