“Túi cá trời” bị đe dọa
Rộng hơn 27.000 m2, hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á trải dài qua địa phận 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Ngoài phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt của nhân dân tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành phố lân cận, hồ Dầu Tiếng là thủy vực quan trọng trong khai thác thủy sản.
Theo khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng hiện có hơn 50 loài cá (có số lượng lớn); trong đó có trên 10 loại có giá trị kinh tế cao như cá thác lác, cá lăng, cá lóc, cá cơm… Đây là nguồn thủy sản lớn, tạo công ăn việc làm, ổn định sinh kế cho hơn 4.000 hộ dân sinh sống ven hồ.
Trong khi đó, cùng với hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận Tây Ninh với tổng chiều dài khoảng 150 km, bắt đầu từ Campuchia chảy qua các huyện Châu Thành, thị xã Hòa Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng. Cùng với đó, các hệ thống kênh rạch, khu vực trũng thấp... với nhiều loại thủy sản phong phú, thuận lợi trong khai thác thủy sản.
Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước sông rạch từ hoạt động xả thải không qua xử lý ra môi trường khiến cá chết hàng loạt, vấn nạn đánh bắt cá lén lút bằng ngư cụ cấm vẫn diễn ra thường xuyên khiến nguồn thủy sản được xem là “túi cá trời” tự nhiên này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Trương Văn Mành, 42 tuổi, ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu cho rằng, vấn đề khai thác hiện nay trong lòng hồ Dầu Tiếng phải sớm ngăn chặn ngay tình trạng khai thác tận diệt bằng lưới điện, chích điện, các ngư cụ cấm từ lồng xếp, dớn, thậm chí sử dụng hóa chất. Cần có chế tài xử phạt mạnh mới mong thay đổi ý thức của người đánh bắt trái phép hiện nay.
Với kinh nghiệm sống bằng lưới cá trên sông Vàm Cỏ Đông suốt gần 30 năm, thế nhưng ông Trần Văn Bình, 55 tuổi, ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành vẫn không thể bám trụ được với nghề do nguồn thủy sản sụt giảm mạnh. Ông Bình cho biết, những năm gần đây, nguồn nước sông diễn biến bất thường xảy ra với tầng suất ngày càng liên tục khiến cá chết hàng loạt. Từ cá lăng, cá mè cho đến cá trê thậm chí có cả tôm càng xanh cũng không thoát. “Cứ tình trạng này còn kéo dài thì đến vài chục năm nữa đến cá rô, cá lòng tong cũng khó còn”, ông Bình nói.
Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn vi phạm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, để tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước, tăng thu nhập cho người dân khai thác thủy sản, hằng năm, sở đã thả bổ sung khoảng 500.000 đến 1 triệu con cá giống các loại (trắm cỏ, chép, lăng nha, cá tra, sặc rằn, tôm càng xanh).
Trong thời gian thả cá giống, UBND tỉnh cũng chỉ đạo nghiêm cấm khai thác thủy sản; các hoạt động mua bán, tiêu thụ thủy sản có nguồn gốc khai thác trái phép trong hồ Dầu Tiếng và giao UBND huyện Tân Châu, Dương Minh Châu chỉ đạo UBND các xã ven hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La thực hiện việc kiểm tra, rà soát số lượng phương tiện đang tham gia khai thác thủy sản trên địa bàn; vận động người dân ký cam kết không khai thác thủy sản trong thời gian cấm đánh bắt; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn cấm tuyệt đối các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng các loại ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, nếu phát hiện các trường hợp vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển thủy sản có nguồn gốc khai thác trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản trái phép vẫn lén lút diễn ra.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, để ngăn chặn tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm đánh bắt thủy sản, trước mắt, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu tác hại của việc đánh bắt theo kiểu tận diệt. Qua đó, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của người dân trong tương lai. Đồng thời, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng phối hợp cùng các đơn vị liên ngành tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Nhằm tăng cường quản lý việc khai thác thủy sản, tập trung lực lượng quản lý của các cấp, ngành trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan. Cùng với đó, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực thủy sản trên sông, hồ.
Tính riêng trên sông Vàm Cỏ Đông, năm 2021, đoàn kiểm tra thực hiện 9 lượt tuyên truyền, kiểm tra xử lý các hành vi vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên sông Vàm Cỏ Đông. Kết quả, phát hiện 1 trường hợp tàng trữ, vận chuyển ngư cụ cấm; 9 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản (người vi phạm bỏ chạy, để lại tang vật), đoàn kiểm tra tạm giữ 18 bộ kích điện, 6 bình ắc quy vắng chủ và đã xử lý tịch thu, tiêu hủy theo quy định. Năm 2022, thực hiện 6 lượt tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản (người vi phạm bỏ chạy, để lại tang vật), đoàn kiểm tra tạm giữ 2 bộ kích điện vắng chủ. Năm 2023, thực hiện 6 lượt tuyên truyền, phổ biến pháp luật lĩnh vực thủy sản cho 13 người dân tham gia khai thác thủy sản trên sông; phát hiện 3 trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản (người vi phạm bỏ chạy, để lại tang vật), đoàn kiểm tra tạm giữ 5 bộ kích điện, 3 bình ắc quy vắng chủ và xử lý theo quy định.
Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 1111/KH-SNN về kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 và sẽ tổ chức thực hiện 7 cuộc kiểm tra. Hiện đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Tây Ninh chủ trì đang tổ chức triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý trên các tuyến sông, rạch, hồ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh.