Người phụ nữ dân tộc thiểu số tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ

Về xã Đồng Nai của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hỏi về chị Thị Khưi (40 tuổi) ai cũng biết. Với tính cách dám nghĩ, dám làm và là người tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Thị Khưi đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch.

Qua đó mang lại cho gia đình chị kinh tế phát triển bền vững, ổn định; giúp nhiều người dân vươn lên thoát nghèo.

Chú thích ảnh
Chị Thị Khưi kiểm tra hạt điều hữu cơ trước khi tách vỏ. 

Thành lập hợp tác xã để phát triển bền vững

Là người dân tộc M’nông, sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, từ bé, chị Khưi đã gắn bó với cây điều. Ở nơi chị sinh sống, người dân chủ yếu canh tác truyền thống theo phương pháp thuận tự nhiên nên mùa màng thường thất thu. Vì vậy, chị luôn trăn trở và tìm cách phát triển kinh tế từ chính cây điều bản địa.

Chị Khưi cho biết, trước đây chị nhìn thấy bà con địa phương kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, thường bị các thương lái ép giá. Từ đó, chị có ý tưởng hình thành hợp tác xã, tập hợp những người cùng chung chí hướng để canh tác, xây dựng chuỗi liên kết với công ty lớn nhằm đảm bảo khâu tiêu thụ của người dân được giá cao hơn.

Năm 2022, chị Thị Khưi quyết định đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch hoạt động trên địa bàn xã Đồng Nai. Hợp tác xã có 165 thành viên chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động trên địa bàn thôn 5 và một số thôn lân cận. Vùng nguyên liệu của hợp tác xã hơn 1.000ha.

Thời gian qua, chị Thị Khưi đã kết nối các công ty về địa phương hướng dẫn người dân trên địa bàn về khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng theo dạng hữu cơ cũng như hỗ trợ thành viên tổ hợp tác; hỗ trợ tiền xăng phát cỏ theo diện tích/năm. Chị còn hỗ trợ trả chậm khoản vay không tính lãi khi thành viên và bà con vay mua phân bón đầu tư vườn rẫy.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch. 

Nguồn thu nhập chính của nhiều thế hệ gia đình bà Thị Poi, ở thôn 5, xã Đồng Nai cũng gắn với cây điều. Tuy nhiên, việc canh tác theo lối truyền thống cho năng suất bấp bênh, cuộc sống vẫn chưa khá giả. Sau khi được chị Thị Khưi mời tham gia hợp tác xã, vườn điều 13ha cho thu nhập tăng lên, gia đình có của ăn, của để. Bà Thị Poi chia sẻ: Sau khi vào hợp tác xã, gia đình tôi được học cách chăm sóc điều hữu cơ, không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, chủ yếu dùng phân trùn quế, phân trâu, bò đã được ủ... Vườn chăm sóc theo hướng hữu cơ cây luôn xanh tốt quanh năm, ít tác động của thời tiết bất lợi và cho năng suất ổn định hơn trước, giúp nguồn thu của gia đình được tăng lên. Chị Thị Khưi là người sản xuất kinh doanh giỏi, biết cách phát triển vườn điều luôn cho năng suất ổn định và có đầu ra giá cao.

Với ông Điểu Xăng, thôn 5, xã Đồng Nai, tham gia hợp tác xã giúp ông không còn lo bị các thương lái ép giá như trước. Thời gian qua, chị Thị Khưi đã làm cầu nối để các thành viên hợp tác xã được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ vật tư sản xuất điều theo hướng hữu cơ. Bà con đã tích cực hưởng ứng, thực hiện, thu được sản lượng điều tăng với chất lượng đáp ứng được yêu cầu của các công ty liên kết đề ra.

Ngoài ra, chị Thị Khưi còn hỗ trợ vốn vay cho thành viên trong tổ và tạo việc làm thường xuyên cho 25 đến 30 lao động trên địa bàn. Không chỉ giỏi làm kinh tế, chu toàn với gia đình, chị cũng luôn nhiệt tình tham gia công tác Hội, chủ động chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ chị em phụ nữ trong phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm

Với hướng đi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chị Thị Khưi và các thành viên hợp tác xã đưa ra phương châm "sản xuất các ra sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, chất lượng cao phục vụ cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu". Hiện nay, hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với các công ty xuất khẩu điều; hỗ trợ các thành viên canh tác điều theo hướng hữu cơ, cà phê sạch. Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, mang lại lợi nhuận, nâng cao đời sống, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo.

Chú thích ảnh
Chị Thị Khưi (thứ 2, từ trái qua) hướng dẫn người lao động làm việc tại Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch. 

Vụ mùa năm 2024, Hợp tác xã do chị Thị Khưi dẫn dắt thu được khoảng 700 tấn hạt điều tươi. Giá bán cao hơn mặt bằng chung khoảng 2.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp liên kết hỗ trợ 500.000 đồng/ha cho các thành viên. Chị Thị Khưi chia sẻ: Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào hợp tác xã đã thấy việc sản xuất sản phẩm hữu cơ là hướng đi đúng, cải thiện thu nhập cho hộ gia đình trong tương lai, việc sản xuất nông nghiệp sạch được hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí nên rất an tâm. Đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đã xin tham gia vào hợp tác xã để sản xuất điều hữu cơ, điều sạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Đinh Xuân Hòa: Với vai trò là người thành lập hợp tác xã, chị Khưi luôn phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình. Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch chị Khưi và hợp tác xã đã chủ động xây dựng, ký kết chuỗi liên kết với các công ty nước ngoài để xuất khẩu hạt điều và các mặt hàng nông sản.

Chị Thị Khưi có tinh thần tìm tòi học hỏi, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do các ngành, các cấp tổ chức; từ đó áp dụng phù hợp vào điều kiện sản xuất của hộ gia đình cũng như của thành viên hợp tác xã, giúp nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư, chi phí thuê nhân công.

“Chị Thị Khưi là nữ đồng bào thiểu số đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm. Hợp tác xã của chị đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hạt điều hữu cơ đối với các công ty lớn, các đối tác nước ngoài, xuất khẩu các sản phẩm hạt điều sang thị trường Châu Âu. Xã luôn quan tâm và tạo điều kiện cho hợp tác xã của chị Thị Khưi phát triển cũng như hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ hợp tác xã các quy trình, thủ tục để hoạt động một cách hiệu quả cao”, ông Đinh Xuân Hòa cho biết thêm.

Hiện nay, ngoài sản xuất điều hữu cơ, cà phê sạch, chị Thị Khưi đã mạnh dạn định hướng cho thành viên hợp tác xã phát triển, trồng thêm các sản phẩm hữu cơ cây lá nhíp, cây cà phê, cây ăn trái dưới tán điều. Từ ý tưởng đến thực hiện thành công tâm huyết với nông nghiệp sạch, chị Khưi xứng đáng là một điển hình để chị em phụ nữ học hỏi tại địa phương.

K GỬIH (TTXVN)
Hợp tác với Nhật phát triển nông nghiệp hữu cơ
Hợp tác với Nhật phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ngày 20/8, Đoàn công tác của Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản do ông Kubo Motoki– Giáo sư Trường Đại học Ritsumeikanlàm Trưởng đoàn, đã đi khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trên cơ sở đó, Đoàn sẽ tham gia hội thảo chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản xuất hữu cơ, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN