Xét theo mặt hàng, nhóm thực phẩm (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tăng 2,7%, cao hơn mức 2,6% của tháng 7. Đáng chú ý là giá gạo đã tăng 26,3% do nhiều tác động của yếu tố, ghi nhận sự tăng giá biên độ lớn đối với mặt hàng này lần đầu tiên sau 20 năm. Trong khi giá thịt bò nhập khẩu tăng 14,7% do đồng yen thấp.
Giá cả của nhóm hàng năng lượng cũng tăng tới 17,4%, trong đó các hộ gia đình và doanh nghiệp đều phải chi trả mức tăng trong hóa đơn tiền điện và tiền gas lần lượt là 24,2% và 16,9%, chủ yếu do gói giải pháp hỗ trợ giá của Chính phủ Nhật Bản đã kết thúc vào cuối tháng trước. Trong khi đó, giá xăng dầu giảm 4,3% nhờ nỗ lực hỗ trợ nhằm giữ giá nhiên liệu ở mức thấp của chính phủ nước này. Các mặt hàng gia dụng cũng tăng 11,2% và giá lưu trú khách sạn tăng 9,5%.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản đối với 552 mặt hàng chính đã ghi nhận trong tháng 8 có 354 mặt hàng tăng giá, gấp 3 lần so với 106 mặt hàng giảm giá, 61 mặt hàng giữ nguyên giá và 1 mặt hàng không tiến hành khảo sát.
Ông Saisuke Sakai, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Research & Technologies cho biết, tốc độ tăng giá đã có xu hướng chậm lại và kỳ vọng duy trì ở dưới mức 2% là không khó. Chi phí lao động tăng và sự mất giá của đồng yen là những yếu tố góp phần đẩy giá tăng cao. Vì thế, lập trường sắp tới của Chính phủ Nhật Bản đối với chính sách tiền tệ sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu này.
Trong một cuộc khảo sát về xu hướng tiêu dùng do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 29/8 cho thấy, chỉ số thái độ của người tiêu dùng (thực hiện đối với các hộ gia đình có từ 2 người trở lên) trong tháng 8 không thay đổi so với tháng trước. Điều này phản ánh một thực tế là tâm lý tiêu dùng của người dân Nhật Bản chưa cải thiện dù làn sóng tăng lương đã lan rộng nhờ kết quả tích cực trong các cuộc đàm phán tăng lương vào mùa Xuân năm nay.