Theo nguồn tin trong ngành, cuộc họp lần này sẽ tập trung vào việc xem xét quyết định gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng khai thác 2,2 thùng/ngày cho tới cuối năm 2024, nhằm ngăn chặn tình trạng dư cung và hỗ trợ giá dầu.
Không có lý do chính xác nào được đưa ra cho thông báo OPEC+ lùi kế hoạch họp một ngày và chuyển sang trực tuyến. Bloomberg cho biết một số đại biểu tiết lộ sức khỏe yếu của Quốc vương Saudi Arabia Salman Bin Abdulaziz và thông tin Tổng thống Iran Ebrahim Raisi qua đời do tai nạn máy bay có thể là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này.
Liên minh 22 quốc gia, dẫn đầu bởi Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út) và Nga, đã quyết định thu hẹp quy mô khai thác dầu để bù đắp cho sản lượng dồi dào của Mỹ và triển vọng tăng trưởng kinh tế mong manh của Trung Quốc, quốc gia mua dầu nhiều nhất thế giới và sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Chuyên gia Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô tại công ty tình báo thị trường Kpler Ltd, cho biết chuyển hình thức họp sang trực tuyến là “dấu hiệu rõ ràng nhất về việc gia hạn” hạn ngạch khai thác hiện tại.
Hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng các thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục thực hiện việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đã được thỏa thuận vào tháng 11/2023.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những lần gia hạn lệnh hạn chế sản lượng trước đây, vốn chỉ được thực hiện bởi 8 thành viên, đã được chính các thành viên công bố trong các tuyên bố riêng chứ không phải bởi OPEC+. Hạn ngạch cung cấp cho các thành viên khác đã được ấn định cho thời gian còn lại của năm 2024.
Giá dầu Brent Biển Bắc đang được giao dịch ở gần mức thấp nhất trong ba tháng, quanh ngưỡng 81 USD/thùng.
Chuyên gia Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết: “Việc giá dầu không giữ được mức giá kỳ vọng 90USD/thùng, mức giá quan trọng đối với hầu hết các nhà sản xuất OPEC+, dẫn tới việc gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại vào cuộc họp tháng Sáu sẽ là kết quả có thể xảy ra nhất”.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng Saudi Arabia cần giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng để đủ chi phí trang trải cho các kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của mình.
Bên cạnh quyết định có nên gia hạn cắt giảm sản lượng hiện tại hay không, OPEC+ cũng đang xem xét năng lực sản xuất của các quốc gia thành viên. Kết quả có thể sẽ ảnh hưởng đến các mục tiêu riêng biệt của từng nước cho năm 2025.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mới đây đã công khai quan điểm của mình bằng thông báo của Công ty Dầu khí Quốc gia khổng lồ Abu Dhabi nâng công suất 4,85 triệu thùng/ngày - cao hơn đáng kể so với ước tính cuối cùng của OPEC.