Để có được kết quả trên, các lực lượng chức năng cửa khẩu đặc biệt là biên phòng và hải quan địa bàn đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các mặt, nhất là những vấn đề liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu, điều tiết phương tiện cũng như đảm bảo an ninh trật tự khu vực cửa khẩu.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị nằm trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, là một điểm quan trọng trong hoạt động thương mại và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia; thời gian qua, các hoạt động biên mậu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị luôn tiếp tục phát triển bởi các biện pháp và chính sách thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, hiện trung bình mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan từ 700 - 800 phương tiện; trong đó, xuất khẩu khoảng trên dưới 200 xe, nhập khẩu khoảng 600 xe. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu là máy móc, thiết bị công nghiệp, linh kiện điện tử, hàng gia dụng, ô tô các loại, rau quả nông sản, sản phẩm hóa chất, kim loại thường…
Để hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra ổn định, phù hợp với doanh nghiệp trong bối cảnh số hóa diễn ra nhanh chóng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý thủ tục thông quan. Chi cục thường xuyên, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khai trên hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa quốc gia ASEAN…
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị Phùng Văn Ba cho biết, đơn vị chủ động tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích khi tham gia thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến và triển khai các tiện ích dịch vụ bưu chính, dịch vụ thu nộp thuế điện tử 24/7 tới doanh nghiệp; cùng đó là tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp các các lực lượng chức năng trên địa bàn để chuẩn bị triển khai thí điểm mô hình hải quan số (hải quan thông minh), cửa khẩu số.
Đến nay, tổng số doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử VNACCS/VCIS là trên 3.200 doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp khai hải quan điện tử đối với các lô hàng xuất nhập khẩu. Qua đó góp phần giữ vững và ổn định các hoạt động biên mậu.
Nhằm tránh việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi gian lận thương mại, buôn lậu và trốn thuế, cơ quan hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã thu thập thông tin, tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa tại các điểm tập kết kiểm tra hàng, hàng gửi kho, xuất nhập kho ngoại quan… áp dụng các tiêu chí quản lý rủi ro để tăng hiệu quả. Đồng thời tích cực kiểm tra, rà soát việc xác định trị giá, áp mã hàng hóa…
Từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 10/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị đã phân luồng tờ khai trên hệ thống hơn 54.800 bộ; thực hiện chuyển luồng tờ khai từ xanh sang vàng 15 bộ; chuyển luồng xanh sang đỏ 7 bộ; chuyển luồng vàng sang đỏ trên 9.900 bộ; qua đó phát hiện 76 bộ hồ sơ vi phạm chuyển luồng, xử phạt vi phạm hành chính trên 330 triệu đồng…
Trong khu vực biên giới cửa khẩu, Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt đảm bảo an ninh trật tự, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Để góp phần tăng thêm hiệu quả quản lý địa bàn, lực lượng Bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cùng Hải quan địa bàn đã duy trì tốt các hoạt động phối hợp; trong đó là cùng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, xử lý tội phạm vi phạm pháp luật…
Từ đầu năm đến nay, hai lực lượng đã phối hợp kiểm soát trên 1,8 triệu lượt hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Thượng tá Đoàn Duy Tiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đánh giá, lực lượng biên phòng và hải quan cửa khẩu Hữu Nghị thời gian qua đã duy trì thường xuyên các hoạt động phối hợp, cùng tuần tra kiểm soát khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở trong phạm vi quy định để ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật. Cùng đó là thường xuyên, đột xuất thông báo tình hình, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động buôn lậu qua biên giới trên các tuyến, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật Hải quan, Luật Biên phòng cho nhân dân, doanh nghiệp, hành hành xuất nhập cảnh…
Ngoài ra, việc thường xuyên nắm bắt và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang là một cách để các lực lượng chức năng cửa khẩu thu hút và giữ chân doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động nắm các thông tin ngoại biên về chính sách biên mậu, quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu… để có thể linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành.