Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, bài viết nhấn mạnh, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III của Việt Nam tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng trưởng theo quý cao nhất trong hai năm. Trong đó, tăng trưởng của ngành sản xuất chế biến hết sức nổi bật, với tốc độ tăng 11,41%, trở thành mức tăng trưởng cùng kỳ cao nhất trong 6 năm qua. Hiện nay, ngày càng nhiều công ty đa quốc gia chọn đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Dẫn số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tờ Thương báo quốc tế (Trung Quốc) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 17,3 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong số 21 ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với hơn 15,64 tỷ USD, chiếm tới 63,1% tổng FDI vào Việt Nam; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện và bán buôn, bán lẻ.
Bài viết khẳng định, một trong những dòng vốn đầu tư tích cực nhất đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào Việt Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2023, lượng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đạt 5 tỷ USD, tăng 30% so năm trước. Con số này không chỉ phản ánh niềm tin của doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Việt Nam mà còn cho thấy mối quan hệ kinh tế-thương mại ngày càng chặt chẽ giữa hai nước. Thêm vào đó, sản xuất là một trong những lĩnh vực chính mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam, liên quan đến dệt may, quần áo, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị và các ngành công nghiệp khác. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất Việt Nam, mà còn thúc đẩy sự kết nối sâu rộng của chuỗi công nghiệp hai nước.
Bài viết cho biết, trong năm nay, nhiều công ty Trung Quốc những năm trước chưa đầu tư vào Việt Nam cũng bắt đầu chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, đặc biệt là những công ty có thị phần xuất khẩu lớn ở Mỹ. Dẫn thông tin từ một hãng dịch vụ tư vấn đầu tư sang Việt Nam, bài báo cho biết hiện có hơn 300 trên tổng số hơn 3.000 công ty niêm yết trong ngành chế tạo của Trung Quốc, đã đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, năm 2023, vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so năm trước. Trong 7 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,65 tỷ USD, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước. Về lượng vốn, Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về số lượng dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án được phê duyệt mới (chiếm 29,7%).
Bài viết dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Trí Dũng cho rằng, điểm nổi bật nhất là chất lượng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Trước đây, đầu tư của Trung Quốc thường tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến như dệt may, da giày; giờ đây, nguồn vốn đang chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao, điện và điện tử... Nhiều công ty Trung Quốc có quy mô quốc tế đã bắt đầu đầu tư vào các ngành điện, điện tử, chế biến chế tạo, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, xe điện và các lĩnh vực khác của Việt Nam.
Bài báo nhấn mạnh, cùng với đà phát triển ngày càng mật thiết và thường xuyên của quan hệ kinh tế - thương mại song phương, hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường tới Việt Nam từ ngày 12-14/10. Trong đó, hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; đẩy nhanh thúc đẩy kết nối hạ tầng giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu..., nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh; thúc đẩy ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước về xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn, tích cực nghiên cứu và triển khai thí điểm xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc; cùng xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định; thúc đẩy sớm ký Nghị định thư đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tích cực hoan nghênh Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) gia nhập Hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).