Dự án liên kết vùng sử dụng vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc và vốn ngân sách nhà nước có tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường dài gần 32 km, đi qua các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và lên huyện miền núi Bắc Trà My đã được khởi công xây dựng vào tháng 7/2023. Đây là một trong những dự án quan trọng, cấp thiết; góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam, do vậy giải phóng mặt bằng luôn đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đến nay bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn còn ngổn ngang công việc.
Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, dự án liên kết vùng đi qua 4 xã của địa phương với hơn 1.000 hộ bị ảnh hưởng. Để đáp ứng nhu cầu về mặt bằng, ngay từ đầu năm, huyện Tiên Phước đã tập trung cho kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất đai và phương án bồi thường để đến tháng 6/2024 toàn bộ 4 xã trong vùng dự án sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Với hơn 1.000 hộ bị ảnh hưởng, ngoài việc tái định cư tại chỗ, địa phương đang xây dựng bốn khu tái định cư đầy đủ hạ tầng thiết yếu để bố trí chỗ ở cho bà con theo nguyên tắc chỗ ở mới phải bằng và tốt hơn so với nơi ở cũ nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Với hơn 200 hộ gia đình chịu ảnh hưởng của dự án liên kết vùng, đồng thời cũng là địa phương có số hộ gia đình sớm đồng thuận trong việc nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho đơn vị thi công của huyện Tiên Phước, ông Trần ĐứcThiện, người dân trong vùng dự án thuộc xã Tiên Phong chia sẻ, Nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường, người dân rất phấn khởi. Con đường liên xã đi qua xã Tiên Phong đã xuống cấp nghiêm trọng từ nhiều năm nay, giờ được nâng cấp rộng rãi sẽ mang lại cho người dân rất nhiều lợi ích trong việc kết nối giao thương, thuận lợi vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế, bộ mặt nông thôn cũng sẽ thay đổi, con cháu đi học thuận lợi, vì vậy bà con đã sớm nhận tiền đền bù bàn giao phần đất bị ảnh hưởng để thực hiện dự án.
Là một trong 4 địa phương trong vùng dự án liên kết vùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, xác định khâu đền bù giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và không ít khó khăn, ngay từ những ngày đầu năm 2024 này, huyện Thăng Bình đã tập trung tháo gỡ những nút thắt trong bồi thường giải phòng mặt bằng. Huyện thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên lãnh đạo huyện và các ban ngành phụ trách cụ thể từng địa phương để kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, phần việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương thì xử lý dứt điểm ngay. Phần việc nào ngoài thẩm quyền của địa phương thì kịp thời báo cáo lên cấp trên để có hướng dẫn xử lý kịp thời theo nguyên tắc đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.
Không tính nguồn vốn chuyển tiếp, năm 2024, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Nam lên tới gần 6.910 tỷ đồng. Để tiêu hết nguồn vốn này, tỉnh Quảng Nam xác định khâu quan trọng hàng đầu là giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng dự án. Để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đền bù, giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Nam đã thành lập các tổ công tác do lãnh đạo tỉnh làm Tổ trưởng, trực tiếp đến từng dự án, từng địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, tỉnh cũng đã thành lập các tổ công tác do Thường trực tỉnh ủy làm trưởng đoàn để hỗ trợ cho bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các địa phương, nhất là các địa phương trong vùng dự án trọng điểm, địa phương có nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án phải tái định cư. Mặt khác, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát bổ sung quy hoạch các mỏ vật liệu để đáp ứng nhu cầu thi công, khắc phục triệt để tình trạng công trình dừng thi công do thiếu vật liệu thông thường như cát, sỏi, đất đắp.
Tháo gỡ nút thắt về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch ngay từ đầu năm, là một trong những giải pháp đang được tỉnh Quảng Nam quyết liệt thực hiện với kỳ vọng sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo.